
Tổng dư nợ toàn thị trường trái phiếu theo đó đạt 1.366 nghìn tỷ đồng (tăng 2,7% so với tháng trước).
Tính đến thời điểm cuối tháng, các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, MBBank và Techcombank) đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2025, phần còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong nửa cuối năm.
Ở khối doanh nghiệp phi tài chính, ngành bất động sản nhà chiếm thị phần lớn, trong đó Vingroup và các công ty liên quan chiếm 81% lượng phát hành trong 6 tháng năm 2025.
![]() |
Các đợt phát hành lớn nhất trong tháng 6/2025 |
Về tình hình xử lý chậm trả, ngày 25/6/2025, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã chi trả hơn 7 nghìn tỷ đồng (tương đương 24,81% mệnh giá trái phiếu) cho các trái chủ của 25 mã trái phiếu do bốn doanh nghiệp thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát phát hành.
“Chúng tôi cho rằng đây là một diễn biến tích cực cho các trái chủ, khi tòa án đã đảm bảo việc thực thi quyền lợi của các nhà đầu tư, tạo ra tiền lệ giúp tăng cường niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, VIS Rating cho biết.
![]() |
Tình hình tái cấu trúc nợ của trái phiếu chậm trả |
Trong tháng 6/2025, có 4 trái phiếu ghi nhận chậm trả lần đầu bao gồm 2 trái phiếu chậm trả lãi coupon lần đầu và 2 trái phiếu chậm trả gốc lần đầu. Đáng chú ý, có 22 trong số 35 trái phiếu đáo hạn vào tháng 7/2025 có hồ sơ tín nhiệm yếu. Trong số này, 8 trái phiếu đã trong tình trạng chậm trả.
Theo VIS Rating, trong 12 tháng tới, ước tính có khoảng 222 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Trong số này, 44% được phát hành bởi các tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức Yếu hoặc thấp hơn. Đồng thời, trong số sắp đáo hạn có 92 lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 50 nghìn tỷ đồng đã được gia hạn hai năm hoặc ngắn hơn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong giai đoạn 2023-2025, chủ yếu nhằm giảm áp lực thanh toán ngắn hạn và tránh tình trạng chậm trả.