"Thuyền trưởng" Sông Đà 11 Nguyễn Văn Sơn: Thành công nhờ rẽ trái

(ĐTCK) Vượt ra khỏi lĩnh vực xây lắp điện nước, xây dựng dân dụng, vốn là lĩnh vực kinh doanh hàng ngày ăn theo dự án của công ty mẹ, chiến lược chuyển hướng, chủ động tìm “đại dương xanh” sang xây lắp điện của người đứng đầu doanh nghiệp và các cộng sự đã giúp Sông Đà 11 bứt phá.
Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 11 Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 11 Nguyễn Văn Sơn

Đi trước để đón đầu

6 tháng đầu năm nay trong khi ngành xây lắp và nhiều doanh nghiệp họ Sông Đà ngập trong khó khăn, Công ty đạt gần 700 tỷ đồng giá trị sản lượng, bằng 80% kế hoạch năm. Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 11 Nguyễn Văn Sơn chia sẻ rằng, kết quả trên đến từ việc doanh nghiệp đã định hướng đúng đường đi trong vài năm trở lại đây. Đó là chuyển hướng sang kinh doanh xây lắp đường dây tải điện.

Sông Đà 11 tiền thân là Đội điện - nước từ thời kỳ xây dựng Thủy điện Thác Bà (Yên Bái - năm 1960) đến khi chuyển về xây dựng Thủy điện Hòa Bình thì được đổi tên thành Xí nghiệp Lắp máy điện - nước.

Nếu như trước đây Sông Đà 11 chủ yếu thực hiện các phần việc trong hệ thống doanh nghiệp Sông Đà, thì nay Công ty đã chuyển mạnh sang lĩnh vực xây dựng đường dây 500 KV, trạm biến áp 500 KV. Hiện Sông Đà 11 là một trong những công ty đủ năng lực tham gia xây dựng đường dây 500 KV. Với nhu cầu cơ sở hạ tầng của đất nước còn rất lớn, đây là thị trường có nhiều tiềm năng.

Ở các DN có gốc gác nhà nước, chuyện “con gà quả trứng” luôn là vấn đề đau đầu, không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh dạn đầu tư trước để có quả ngọt. Với Sông Đà 11, để làm được các dự án lớn, có chất lượng, ông Sơn và các cộng sự  đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, con người và đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm.

Trên thực tế, để tham gia các dự án điện quy mô lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện của chủ đầu tư, phải có hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm thi công ở các dự án trước đây…, chứ không phải dựa trên quan hệ. 

Sự chuyển hướng kịp thời đã mang lại thành công cho doanh nghiệp. Sông Đà 11 từng bước trúng thầu các gói thầu thi công xây lắp những công trình có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia như: công trình đường dây tải điện 500kV Sơn La - Hòa Bình; Tuyến đường dây 500KV Pleiku - Quảng Ngãi; Tuyến ĐZ 500kV Sơn La - Hiệp Hòa; Tuyến ĐZ 500kV đoạn Phan Thiết - Bình Dương và đoạn Phú Lâm - Ô Môn; các tuyến 200kV Nghệ An - Thanh Hóa.

Đặc biệt, đơn vị còn được độc quyền đảm nhận thi công xây lắp tuyến đường dây 500kV nối từ tỉnh Sê Kông (Lào) về Quảng Nam (Việt Nam). Thành công mới nhất mà Sông Đà 11 vừa đạt được trong tháng 4/2014 vừa qua đó là việc hoàn thành Tuyến dẫn điện cao áp mạch kép dài 600 km kéo điện từ Trạm 500kV Pleiku đi qua 6 tỉnh về Trạm Cầu Bông (TP. HCM).

Tập trung cho ngành nghề cốt lõi, nhưng doanh nhân cũng rất nhanh nhạy thích nghi với sự biến động nhanh của nền kinh tế thị trường. “Chúng tôi xác định doanh nghiệp đi bằng nhiều chân, tập trung nhất cho lĩnh vực cốt lõi”, anh Sơn chia sẻ. Ngoài xây lắp điện, Sông Đà 11 có kinh nghiệm trong ngành nước, và đã xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước sạch, xây dựng hệ thống cấp nước cho các nhà máy điện, đơn cử như hệ thống làm mát Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1.

Bên cạnh đó, Công ty cũng tham gia đầu tư nhà máy thủy điện. Hiện Thủy điện Thác Trắng đã phát điện, năm tới Nhà máy thủy điện To Buông sẽ được hoàn thành và phát điện. Công ty cũng có một mỏ đá ở Hòa Bình, khai thác cung cấp cho các doanh nghiệp xây dựng…

Tại Sông Đà 11, công việc toàn trên rừng, trên núi  

Không đi nhanh bằng mọi giá

Không ít doanh nghiệp xây lắp đang lâm vào cảnh khó khăn do không thu hồi được nợ, Sông Đà 11 không bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Nguyễn Văn Sơn cho biết, Công ty không nhận làm các gói giao thầu mà tham gia chủ yếu các dự án qua đấu thầu.  Để trúng các gói thầu được đấu thầu quốc tế, chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, đã thu xếp vốn và chứng minh được điều đó. Đồng thời, các ban quản lý ngành điện đều hoạt động chuyên nghiệp, xử lý thanh quyết toán rất nhanh, bởi vậy nợ đọng của Công ty không nhiều. Tất nhiên, theo quy định, doanh nghiệp xây lắp thường bị giữ lại 10% doanh thu, chờ thời gian bảo hành, quyết toán…

Có chiến lược đúng hướng, song thách thức với Sơn và các cộng sự cũng không ít.  Anh tâm sự, doanh nghiệp xây lắp, đầu tư, có yêu cầu rất cao về chuyên môn, kỹ thuật bởi vậy để tránh chảy máu chất xám, phải luôn đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, lo việc cho hàng nghìn người lao động và đảm bảo thu nhập cho họ luôn rất áp lực. Hơn nữa, các công trình đều ở xa buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải chỉ đạo sát sao, đoàn kết nội bộ, động viên anh em.

Cụ thể, tại Sông Đà 11, công việc toàn trên rừng, trên núi nên việc tuyển chọn công nhân rất vất vả, khó khăn. Công nhân thi công đường dây điện thường chỉ ở độ tuổi 18-26 tuổi, nhiều hơn, họ không đảm nhận được công việc, do đó trong công tác tuyển dụng, sử dụng con người phải nhìn nhận rất xa, chuẩn bị tốt mới đáp ứng được.

Quyết đoán, nhanh nhạy và có khả năng tập hợp, những tố chất này đã góp phần tạo ra thành công cho doanh nhân Nguyễn Văn Sơn. Đây cũng là đánh giá của nhiều thành viên đoàn thẩm định giải thưởng Sao Đỏ sau chuyến thực địa tại doanh nghiệp. Trong đợt bình chọn tháng 8 vừa qua, doanh nhân trẻ có tên trong danh sách Top 50 doanh nhân xuất sắc của Giải thưởng Sao Đỏ.

Cũng có những lúc nhìn các doanh nghiệp xung quanh phát triển nóng, tốc độ tăng trưởng vù vù, Nguyễn Văn Sơn cũng không tránh khỏi suy nghĩ. Nhưng trên hết, anh và các cộng sự đã xác định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mới là quan trọng. Anh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững, vì quyền lợi của người lao động, cổ đông trong Công ty, chứ không đi nhanh bằng mọi giá”.

Bởi vậy, mọi dự án đầu tư đều được đưa lên bàn cân, đong đếm kỹ càng.  Dự án thực sự tốt, doanh nghiệp mới huy động vốn. Vì để duy trì được mức cổ tức trung bình 15%/năm như thời gian qua, áp lực với Ban điều hành không nhỏ. 

Vừa là người đứng đầu doanh nghiệp, vừa là cổ đông lớn của Công ty, thuộc thế hệ doanh nhân 7x, Nguyễn Văn Sơn còn cả quãng đường dài phía trước, để dành tâm huyết, đam mê đưa doanh nghiệp vượt qua nhiều thách thức và chinh phục những đỉnh cao mới.    

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục