Bản lĩnh doanh nhân Việt

(ĐTCK) Tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô diễn ra vào sáng 10/10/2014, gương mặt duy nhất trong giới doanh nhân được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, đồng Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn BRG. 
Bản lĩnh doanh nhân Việt

Thành công của bà Nga gắn liền với hệ thống các DN bà đang điều hành, với những đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng mà doanh nhân này đã làm được.

Dự án chung cư 56 Nguyễn Chí Thanh của Vingroup chuẩn bị chào bán, giá không hề dễ chịu: khoảng 70 - 75 triệu đồng/m2 (3.500 USD/m2) vẫn có nhiều người mua quan tâm và săn đón. Những gì Vingroup và doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã làm để mang đến một không gian sống văn minh, hiện đại qua hàng loạt dự án bất động sản đình đám đã tạo ra thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bất động sản và có sức hút lớn với thị trường.

Họ chỉ là hai trong số nhiều doanh nhân Việt đang thành công và được ghi nhận, không chỉ trong nước mà được công nhận cả ở tầm quốc tế.  Đóng góp của họ và cộng đồng doanh nhân Việt đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều địa phương. 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ  ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển đông đảo với hàng trăm nghìn người, điều hành gần 500.000 DN trong nước. Nhiều doanh nhân Việt Nam đang tham gia điều hành trong các tập đoàn đa quốc gia hoặc đang là đại diện ngang bằng với doanh nhân nước ngoài trong các liên doanh quốc tế.

Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận không ít gót chân achiles của nhiều doanh nhân, DN Việt. Đó là đầu tư theo phong trào, phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu bài bản, quản trị lạc hậu, sử dụng nguồn lực lãng phí… Đã có doanh nhân buộc phải rời khỏi thương trường, trong mấy năm gần đây, số lượng DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động gia tăng đáng kể. Trải qua khủng hoảng, nhiều doanh nhân đã thấm thía bài học đắt giá, không còn chạy theo bề ngoài hoành tráng, bốc đồng của thời kinh doanh dễ dãi vốn chủ yếu dựa trên các mối quan hệ và chộp giật cơ hội.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, đơn cử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn đàm phán nước rút và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

Việc thực hiện các hiệp định này một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu. Để tồn tại và tiếp tục phát triển, doanh nhân, DN Việt buộc phải có sự chuẩn bị bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh, bước chân vào cuộc chơi toàn cầu.

Trong Thư gửi cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhân ngày 13/10 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vận hội mới đang đến khi người đứng đầu Chính phủ khẳng định thông điệp về việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho cộng đồng doanh nhân, DN Việt, song thách thức cũng không ít, đòi hỏi sự sáng tạo, bản lĩnh của doanh nhân để chiến thắng trên mặt trận ngày càng quyết liệt này .

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục