Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Sống cốt hết mình, hãy khát vọng, ước mơ

(ĐTCK) Khi được hỏi về tham vọng của doanh nhân Việt khi vươn ra thị trường quốc tế, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP FPT chia sẻ: “Việc vươn ra biển lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam dẫu khó nhưng hoàn toàn có cơ sở. Sống cốt hết mình, hãy khát vọng, ước mơ và nếu có thất bại cũng chấp nhận vui vẻ, bởi không lấy đích đến cuối cùng là điều kiện tiên quyết khi nói về hạnh phúc của cuộc đời”.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình

Hiện không chỉ FPT mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tự tin vươn ra thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm. Ông bình luận gì về hiện tượng này?

Một trong những tiêu chí bình xét của Giải thưởng EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp, giải thưởng quốc tế dành cho doanh nhân Việt mà tôi là Chủ tịch Hội đồng bình xét là: ảnh hưởng trong cộng đồng và phạm vi toàn cầu, phát triển thành công hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế. Đây một trong những tiêu chí đánh giá tuy không trọng yếu bằng một số các tiêu chí khác, nhưng là một tiêu chí quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới.

Ngày nay, tôi cho rằng, tinh thần dám ra biển lớn, dám vượt trùng khơi phải thể hiện ở việc không chỉ đi tìm cơ hội tại những nước gần gũi với Việt Nam như ASEAN, mà còn phải tại các nước phát triển, thậm chí là các nước xa xôi như châu Phi. Việc vươn ra biển lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam dẫu khó nhưng hoàn toàn có cơ sở. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho mình hành trang và tự tin bước ra thế giới.

Việt Nam có nhiều lợi thế. Thứ nhất, Việt Nam có quy mô dân số đông và dân số trẻ. Người Việt vốn có truyền thống hiếu học, rất trọng Toán học và tư duy logic. Người Việt Nam cũng có lợi thế người đi sau. Nếu để đến khi thu nhập của Việt Nam tăng lên ở một chặng nữa, Việt Nam sẽ mất thế cạnh tranh. Trong khi đó, mặc dù Ấn Độ thu nhập thời gian tới có thể cao hơn nữa, nhưng họ đã vượt qua ngưỡng làm những công việc đơn giản mà có giá trị cao. Điều đó có nghĩa Việt Nam ở vào thế phải vươn ra thế giới.

Do đó, cần phải nhanh chóng khai thác tối đa những lợi thế này. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cần cung cấp những dịch vụ công nghệ thông tin có giá trị sáng tạo cao hơn giúp cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Thứ hai, thế giới đang diễn ra một thay đổi chưa từng có, đó cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Đây là khái niệm máy tính trí tuệ có khả năng học trên một số dữ liệu vô cùng lớn, có thể học 24/7 và sẽ thay đổi thế giới này, thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh. Cuộc thay đổi này bắt đầu từ 2 năm trước và tạo ra một nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Analytics)…. Chẳng hạn như, lĩnh vực điện toán đám mây hiện thiếu khoảng 3 triệu nhân lực, lĩnh vực dữ liệu lớn thiếu trên 3 triệu nhân lực. Đây là cơ hội cho Việt Nam và FPT. Trên thực tế, FPT cũng đã bắt kịp sự thay đổi này. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT trong các lĩnh vực này đã đạt 3 con số.

Tôi quan niệm rằng, dẫu có khó, nhưng hễ người Trung Quốc, Ấn Độ, Israel... làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Mặc dù quả thật khó khăn chồng chất. 

Vậy đâu là khó khăn với FPT và các DN  Việt và FPT Việt Nam khi vươn ra bên ngoài?

Cái khó lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực trí tuệ, về nguyên tắc là không có giới hạn. Tuy nhiên, thực tiễn Việt Nam chưa cạnh tranh đến mức học ở trong nước mà có thể mang ra thế giới.

Mặc dù Việt Nam có một thế hệ trẻ thiên về tư duy quản trị, được học trong các trường quản trị kinh doanh, họ có thể bàn về kế hoạch, chỉ số kinh doanh, chỉ số tài chính rất tốt, được đào tạo tại các môi trường tiên tiến và giao tiếp quốc tế rất tốt nhưng không nhiều và vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Để có nguồn nhân lực sẵn sàng cho công cuộc vươn ra biển lớn thì còn phải trú trọng đầu tư.

Một trong những cách nhanh nhất để giải quyết khó khăn này là “đi mua”. Thương vụ mua công ty RWE IT Slovakia, công ty thành viên của RWE, Tập đoàn hàng đầu về năng lượng của Đức là một minh chứng. Thương vụ này đã giúp FPT ngay lập tức có thêm một đội ngũ gần 400 chuyên gia và mở rộng quan hệ với các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tại thị trường châu Âu. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vị thế của FPT trong nước tốt, nhưng vẫn chưa vươn ra bên ngoài được?

Kết quả kinh doanh của FPT từ thị trường nước ngoài có lẽ là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này. Năm 2013, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt khoảng 130 triệu USD, tăng trưởng 31% so với năm 2012. FPT đang đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2020. Thị trường Việt Nam thực tế trở nên bé nhỏ với một tập đoàn có quy mô gần 20.000 người và đến năm 2020 là 100.000 người. Do vậy, vươn ra thế giới là điều không thể không làm. 

Liệu ông có quá tham vọng?

Sống hết mình, hãy khát vọng, ước mơ và nếu có thất bại đi nữa thì chấp nhận vui vẻ. Bởi vì không nên lấy đích đến cuối cùng là điều kiện tiên quyết khi nói về hạnh phúc của cuộc đời. 

Về câu chuyện chuyển giao vị trí cấp cao tại FPT, ông có thể chia sẻ gì?

Chúng tôi kỳ vọng thế hệ lãnh đạo kế tiếp của FPT sẽ có khát vọng thành công; tầm nhìn và tư duy chiến lược; có mối quan hệ với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, chính khách quốc tế và Việt Nam; hiểu biết đa ngành đa nghề trong các lĩnh vực kinh doanh của FPT…

FPT liên tục cần có dòng máu mới, tư tưởng mới, cách nhìn mới…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục