Bài học đắt giá vì sai thời điểm
Thủy sản Hùng Vương đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong niên độ tài chính 2020 với 12.524 tỷ đồng doanh thu và 790 tỷ đồng lợi nhuận. Kế hoạch này được đặt ra khi Công ty vừa bước qua một bước ngoặt lớn: hơn 53,9 triệu cổ phiếu HVG, tương đương 24,28% vốn của doanh nghiệp đã được chuyển nhượng sang Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông sản Thadi, công ty con của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) qua các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn.
Trước Thủy sản Hùng Vương, Thaco đã đầu tư vào một doanh nghiệp nông nghiệp là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Điểm tương đồng là cả hai công ty này đều ở tình cảnh khó khăn do nợ nần khi Thaco bước vào.
Khó khăn của Thủy sản Hùng Vương, theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty, bắt đầu từ quyết định đầu tư tiên phong vào nông nghiệp công nghệ cao từ tháng 6/2016. Quyết định này khiến Thủy sản Hùng Vương nhận về bài học đắt giá, bởi chi phí đầu tư ban đầu cao (Công ty đã đầu tư 1.800 tỷ đồng), nhưng chỉ được ngân hàng cho vay 800 tỷ đồng, dù dự án tổng duyệt cấp tín dụng là 4.000 tỷ đồng.
“Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã làm Công ty gặp khó khăn chồng chất. Những lúc khó thì ngân hàng lại không đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ cần một ngân hàng dừng cho vay và chuyển nhóm nợ, hiệu ứng domino xảy ra tức thì đối với các ngân hàng còn lại”, thông điệp của ông Dương Ngọc Minh tại báo cáo thường niên năm 2019.
Cần phải nói thêm rằng, Thủy sản Hùng Vương một thời là con cá lớn “săn lùng” nhiều doanh nghiệp thủy sản như Agrifish, Sao Ta, Việt Thắng... thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Tham vọng mở rộng nhanh quy mô kéo theo việc phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đến thời điểm cuối niên độ tài chính trước (ngày 30/9/2019), tổng nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn tới 1.170 tỷ đồng. Cùng khoản lỗ lũy kế 1.488 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán phải đặt ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tiềm năng các khu đất
Ngoài giãi bày về những nguyên nhân dẫn đến thế khó khăn của “vua cá tra”, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Hùng Vương cho biết, ông đã chủ động đến tìm gặp ông Trần Bá Dương. Trong kế hoạch dài hơi được hai bên tiết lộ, Thadi dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu Thủy sản Hùng Vương từ 24,28% hiện tại lên 35%, đồng thời, tham gia quản trị, cử nhân sự giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, tài chính.
Hai liên doanh giữa Thadi và Thủy sản Hùng Vương đã được thành lập theo hợp đồng ký kết ngày 9/1 tại An Giang và Bình Định để thực hiện sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020. Thadi góp 65% vốn, hai công ty con do Thủy sản Hùng Vương là Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang và Công ty Giống- Chăn nuôi Việt Thắng Bình Định sẽ góp 35% để tham gia hai liên doanh.
Tổng giá trị đầu tư dự án này là 2.000 tỷ đồng với diện tích 2 trại heo giống công nghệ cao đạt 45 ha. Thủy sản Hùng Vương cũng đã có 3 trại heo giống với tổng diện tích 112 ha nằm ở 2 tỉnh này. Với mảng thức ăn chăn nuôi, Công ty lên kế hoạch đầu tư thêm một nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Bình Định, bên cạnh nhà máy tại Long An có công suất 500.000 tấn thành phẩm.
Mảng chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi của Thủy sản Hùng Vương, theo đánh giá của ông Minh, đã được đầu tư tương xứng với tiềm lực phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phải tới niên độ tài chính năm 2019, mảng heo và các sản phẩm liên quan mới bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh, nhưng cũng lỗ ròng 44 tỷ đồng. Trong kế hoạch năm nay, mảng chăn nuôi heo dự kiến mang về 490 tỷ đồng doanh thu, nhưng sẽ là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao, dự kiến góp 103 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhằm tận dụng các khu đất hiện có, năm 2020, Thủy sản Hùng Vương lên kế hoạch khởi động lại dự án kho lạnh tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (4,18 ha), bên cạnh kho lạnh có sức chứa 12.000 tấn tại Khu công nghiệp Tân Tạo đang có sẵn và một kho lạnh khác cũng tại Khu công nghiệp Tân Tạo đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Mảng chế biến cá và thức ăn thủy sản, vốn là trụ cột chính của Thủy sản Hùng Vương, dự kiến mang về 10.792 tỷ đồng doanh thu và gần 570 tỷ đồng lợi nhuận. Doanh nghiệp này hiện có 334 ha vùng nuôi trồng thủy sản, trải dài tại các tỉnh miền Nam, đồng thời sở hữu 11 nhà máy chế biến cá và một nhà máy chế biến tôm, cùng hệ thống nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm. Mạnh tay xử lý tổn thất các ao cá bị nhiễm mặn, lập dự phòng hàng tồn kho ở mảng kinh doanh này là lý do chính khiến Thủy sản Hùng Vương báo lỗ lớn trong năm trước.
Một lần nữa, doanh nghiệp thủy sản này lại đề ra mục tiêu đầy tham vọng, phục hồi sau năm thua lỗ kỷ lục, nhưng với sự đồng hành của một doanh nghiệp nông nghiệp mạnh về vốn và quản trị.
“Ông Trần Bá Dương là một con người lời nói đi đôi với việc làm”, Chủ tịch Hùng Vương chia sẻ về những kỳ vọng sẽ có được sự hợp tác để hoàn thiện những mảnh ghép dang dở từ tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp của Thadi.
Tuy nhiên, vẫn còn là một chặng đường chông gai phía trước với Thủy sản Hùng Vương. Doanh nghiệp này từng đặt ra nhiều kế hoạch ở năm trước nhưng chưa thực hiện. Đầu năm 2019, Công ty còn lên kế hoạch mua lại cổ phần Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng đã bán, nhưng không thành. Công ty cũng dự định thoái vốn tại một số công ty như Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre, Agifish, nhưng chưa thực hiện. Agifish mới đây còn bị buộc hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do liên tục chậm công bố thông tin.