“Ngã ngửa” vì mức thuế POR 14
Trong nhóm các cổ phiếu thủy sản đang giao dịch trên thị trường, cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương có lẽ là trường hợp đặc biệt, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, không chỉ bởi cổ phiếu này từng một thời được mệnh danh là “vua cá tra”, mà còn bởi những đợt tăng giảm đến “đau tim” của giá cổ phiếu này, xung quanh những thông tin về chiến lược và thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây.
Sau tuyên bố của của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 hồi cuối tháng 2, cổ phiếu HVG đã có đợt tăng ổn định từ 5.310 đồng/cổ phần lên đỉnh 8.150 đồng/cổ phần vào giữa tháng 4/2019.
Cụ thể, trước các cổ đông, ông Minh khẳng định, khả năng mức thuế chống bán phá giá vào Mỹ trong POR 14 của Hùng Vương sơ bộ bằng 0, dự báo khả năng thành công là 80%, còn lại 20% rủi ro là vì yếu tố chính trị.
Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết quả cuối cùng của đợt POR 14 cho giai đoạn từ 1/8/2016 - 31/7/2017, thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam đối với HVG là 3,87 USD/kg, đã khiến cổ phiếu này mất giá đến 50% sau 1 tháng.
Mức thuế chống bán phá giá sau đợt POR 14 có tính quyết định đến tình hình kinh doanh của Hùng Vương trong năm 2019. Ông Dương Ngọc Minh từng dự kiến, Công ty sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ và trả được hết nợ nếu năm nay thuế vào Mỹ thấp.
“Chúng ta sẽ quay lại thời kỳ 2010 - 2011 và kế hoạch năm 2019 mà chúng tôi đưa ra là kịch bản xấu nhất, không bao gồm kết quả POR 14. Nếu kỳ ra soát POR 14 của Hùng Vương thành công, thì có thể khẳng định đến năm 2020 chúng tôi quay về mục tiêu doanh số 20.000 tỷ đồng/năm”, ông Minh nói tại Đại hội đồng cổ đông 2019. Hiện tại, giá cổ phiếu HVG dao động trong khoảng 3.900 - 4.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, kết quả POR 14 được công bố đã không như ông Minh kỳ vọng. Câu hỏi đặt ra là, Hùng Vương sẽ triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo như thế nào và kế hoạch năm 2019 mà Công ty đề ra chưa chắc đã còn là kịch bản xấu nhất.
Áp lực dòng tiền, vay nợ đè nặng
Sau cú sốc POR 14, động thái mới nhất mà Hùng Vương thực hiện là lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở chính tại tỉnh Cà Mau, hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá biển.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh, báo cáo tài chính quý II niên độ tài chính 2019 (1/10/2018 - 30/9/2019) của Hùng Vương cho thấy, tình hình tài chính của Công ty còn nhiều bất ổn.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương có 8.827 tỷ đồng tài sản, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 6.991 tỷ đồng, còn lại là tài sản dài hạn. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 4.753 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.809 tỷ đồng. Trong đó, Hùng Vương đang ghi nhận khoản trích lập dự phòng 679 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Về nợ, tổng nợ tính đến cuối tháng 3 của Hùng Vương là 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu Hùng Vương đạt 2.197 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.
Từng tự tin khẳng định về khả năng áp thuế 0% sau đợt POR 14, Hùng Vương sẽ không còn cần đến dòng vốn ngân hàng, tuy nhiên, việc phải thoái toàn bộ vốn tại Hùng Vương Sông Đốc cho thấy, Công ty vẫn phải thực hiện chính sách bán dần tài sản như những gì đã thực hiện trong năm 2018, nhằm cân đối vốn, dòng tiền.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II/2019 của Hùng Vương cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động của Công ty âm 106,9 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính 171,9 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 1/10/2017 - 30/9/2018 của Hùng Vương, kiểm toán nhấn mạnh các điều kiện cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh, khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai, cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.
Có thể thấy, “cú sốc” POR 14 trong bối cảnh tình hình tài chính chưa được cải thiện, khiến CTCP Hùng Vương đã khó càng thêm khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG giảm sâu và khó có cơ hội hồi phục trong tương lai gần. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu HVG bán ra ở mức cao nhất 4.040 đồng/cổ phần, chưa bằng 1/2 so với mức đỉnh 8.150 đồng/cổ phần hồi giữa tháng 4/2019.
Khả năng hoạt động kinh doanh của CTCP Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào việc sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai.