Áp lực giá cước vận tải tăng
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, xu hướng tăng đơn hàng và biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của EU, Mỹ với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ nguồn cung thủy sản ở một số thị trường lớn. Theo đó, lượng hàng tồn kho sẽ dần cạn kiệt trong nửa đầu năm 2024. Dự báo, giá bán nhiều loại thủy sản sẽ tăng từ quý II/2024 và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, xung đột ở Trung Đông có nguy cơ làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Hiện tại, bất ổn ở Biển Đỏ gây ra không ít khó khăn cho ngành thủy sản trong vấn đề vận chuyển. Nhằm tránh rủi ro, các hãng tàu đã thay đổi tuyến đường, khiến hành trình vận chuyển tới châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ trở nên dài hơn, dẫn tới giá cước vận tải tăng mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã buộc chính quyền Panama phải cắt giảm 36% lượng tàu qua lại kênh đào cùng tên, nên không ít tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.
Từ ngày 1/1/2024, nhiều hãng tàu đã thông báo tăng giá cước đi Mỹ, châu Âu, vốn là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Chi phí vận chuyển tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Theo Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã chứng khoán FMC), ngoài chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ giá nhiều loại thủy sản thành phẩm tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024, bởi kinh tế thế giới hồi phục chậm.
“Bẻ lái” xuất khẩu
Thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu.
Ngành thủy sản có những khó khăn, thách thức, nhưng bà Lê Hằng tin tưởng vào khả năng vượt qua nhờ nội lực và sự thích ứng của các doanh nghiệp trong ngành. Trước đó, sự nỗ lực và linh hoạt của các doanh nghiệp đã đưa ngành thủy sản vượt qua giai đoạn chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19.
Theo bà Hằng, thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu. Bởi lẽ, nhu cầu về các sản phẩm dễ bảo quản, thời hạn lâu, giá hợp lý, đóng hộp, đóng túi và hàng khô dự kiến sẽ gia tăng. Trung Quốc có thể hấp dẫn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hơn, nhờ vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp và dễ kiểm soát. Trong khi đó, thị trường thủy sản Trung Quốc nhiều khả năng bị giảm nguồn cung từ Ecuador (thuộc tốp đầu về nguồn cung, nhất là tôm) do chi phí vận tải biển tăng và tình hình an ninh bất ổn tại quốc gia Nam Mỹ này.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tồn kho cá đang giảm dần tại các thị trường lớn, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ phục hồi trong thời gian tới, nhưng đà phục hồi không mạnh. Đáng chú ý, chi phí nguyên liệu tăng cao do cá giống khan hiếm. Trước đây, giá cá nguyên liệu ở mức thấp cùng nhu cầu bắt giống chậm khiến nhiều hộ nuôi giảm thả cá nuôi mới. Do đó, hiện tại, nguồn cá giống hạn chế đã kéo giá cá nguyên liệu tăng trở lại.
Trong bối cảnh cá minh thái của Nga bị các nước phương Tây hạn chế nhập khẩu, cá tra của Việt Nam được VCBS đánh giá sẽ hưởng lợi trong năm 2024.
Ngoài ra, trong quý I/2024, Mỹ có thể sẽ ban hành quyết định giảm thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn (chủ yếu là cá tra) nhập khẩu từ Việt Nam, giúp giá bán cá tra cạnh tranh hơn, qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm 2024, một số doanh nghiệp ngành thủy sản đã tăng tốc xuất khẩu.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) với lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc. Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, năm 2024, Nam Việt có thể đạt doanh thu 4.902 tỷ đồng, tăng 7,1%; lợi nhuận sau thuế 261 tỷ đồng, tăng 154% so với năm 2023, nhờ triển vọng giá bán tăng.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) đánh giá, năm nay, thị trường xuất khẩu sẽ có diễn biến tích cực. Trong đó, doanh nghiệp được hưởng lợi khi EU mới đây quy định, cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%. Loại thủy sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam này, bao gồm cả các sản phẩm được chế biến tại Trung Quốc nhưng có nguồn gốc từ Nga, không còn được hưởng ưu đãi thuế 0% đã mở rộng dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, ngày 22/12/2023, Mỹ đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nga (cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, cua), tính thêm cả các sản phẩm chế biến ở nước ngoài, tức không cho phép thủy sản Nga vào Mỹ thông qua nước thứ ba, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp ngành tôm, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước sản xuất đối thủ, các doanh nghiệp được khuyến nghị tập trung vào khâu nuôi để chất lượng và giá thành ổn định hơn, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã chứng khoán MPC) được VCBS dự báo, năm 2024, Nhà máy Minh Phát đi vào hoạt động sẽ giúp Công ty nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng.
Với Sao Ta, thị trường xuất khẩu tôm là Nhật Bản đang duy trì tốt nhờ trang trại tôm mới đi vào hoạt động. Sao Ta hiện là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc. Doanh nghiệp này tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu nên ít bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh về giá.
Tôm và cá tra là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngành xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024, nhất là nửa cuối năm, mở ra triển vọng khả quan cho cổ phiếu nhóm ngành này.
SSI Research dự báo, lợi nhuận của ngành thủy sản năm 2024 có thể tăng 20 - 30% so với năm 2023.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022. Năm 2024, ngành cá tra đề ra mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD. Với mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu trong năm qua là 3,4 tỷ USD, giảm 22%, năm nay được dự báo đạt 4 - 4,2 tỷ USD.