Thủy sản An Giang (AGF): “Mắc cạn” với khoản lỗ lớn

Khó khăn tài chính khiến Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish - mã chứng khoán AGF) phải tính đến phương án bán công cụ sản xuất, trong khi thị trường cá tra được dự báo có nhiều thuận lợi trong năm 2019.
Thủy sản An Giang (AGF): “Mắc cạn” với khoản lỗ lớn

Nguy cơ rời sàn HoSE

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây có công văn nhắc nhở Agifish về việc chậm công bố thông tin Báo cáo Tài chính kiểm toán năm 2018 (1/10/2017 - 30/9/2018).

Cảnh báo này được đưa ra khi Agifish đang “ngồi trên đống lửa”, vì Báo cáo Tài chính do Công ty tự lập công bố đầu tháng 11/2018 cho thấy, lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ.

Theo báo cáo này, doanh thu thuần của Agifish trong năm tài chính 2018 đạt gần 1.285 tỷ đồng, giảm đến 43% so với năm 2017. Do kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp của Agifish ghi nhận âm 42,6 tỷ đồng. Tuy các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh so với năm 2017, nhưng Agifish vẫn lỗ xấp xỉ 190 tỷ đồng trong năm 2018. Như vậy, tính đến cuối năm 2018, Agifish lỗ lũy kế 282,2 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty này là 281 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa, nếu sau kiểm toán, Agifish không giảm bớt được khoản lỗ trong năm 2018, thì chắc chắn, cổ phiếu AGF của Công ty sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP.

Trước đó, tại thời điểm tháng 11/2018, cổ phiếu AGF bị HoSE đưa vào diện tạm ngừng giao dịch, do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Để được giao dịch trở lại, Agifish đã có công văn giải trình và khắc phục bằng việc công bố Báo cáo Tài chính quý IV/2018. Từ ngày 21/11/2018 đến nay, cổ phiếu AGF đã được giao dịch vào buổi chiều, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận,  do vẫn đang bị kiểm soát đặc biệt.

Có kịp tái cấu trúc?

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Agifish báo lỗ lớn. Năm 2017, công ty này đã từng gây bất ngờ khi công bố lỗ 187 tỷ đồng sau kiểm toán, mặc dù trước đó đã báo lãi 4 tỷ đồng trong Báo cáo Tài chính tự lập.

Theo Báo cáo Kiểm toán năm 2017, ngoài khoản điều chỉnh doanh thu thuần giảm 178 tỷ đồng so với báo cáo tự lập khiến lãi gộp giảm mạnh, chi phí quản lý sau kiểm toán của Agifish cũng tăng thêm 82 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là khoản dự phòng cho các khoản phải thu mà báo cáo tự lập trước đó của Agrifish không trích lập.

Tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 (30/9/2018), Agifish vẫn ghi nhận dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 159,6 tỷ đồng. Con số này bằng đúng số ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2017.

Chưa kể, tại Báo cáo Tài chính bán niên sau soát xét, Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam có ý kiến ngoại trừ rằng, Agifish chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi với số tiền 96,75 tỷ đồng. Agifish phân trần lý do là, qua quá trình đàm phán và trao đổi với khách hàng, Ban Giám đốc đánh giá các khoản nợ trên vẫn có khả năng thu hồi.

Mặc dù vậy, tại Báo cáo Tài chính tự lập năm 2018, Agifish vẫn chưa trích lập khoản dự phòng trên, nhưng cũng chưa cho thấy dấu hiệu có thể thu hồi được khoản khó đòi này.

Là công ty con của Công ty CP Hùng Vương (Công ty CP Hùng Vương sở hữu 79,58% vốn tại Agifish) với nhiều hoạt động nghiệp vụ liên quan đến công ty mẹ và các công ty thành viên, việc Agifish lao đao trong những năm qua là điều dễ hiểu, khi Công ty CP Hùng Vương cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Tuy nhiên, trong khi Công ty CP Hùng Vương đang có dấu hiệu hồi phục trở lại sau khi thực hiện nhiều hoạt động tái cấu trúc trong năm 2018 như bán tài sản, thoái vốn tại một số công ty con, thì Agifish vẫn chìm trong tình cảnh khó khăn, “mắc cạn” với khoản lỗ lớn.

Các báo cáo tài chính quý cho thấy, Agifish liên tục bán hàng dưới giá vốn trong 2 quý đầu năm 2018. Nửa cuối năm 2018, tình trạng này mới chấm dứt, nhưng doanh thu quý III và quý IV/2018 của Agifish lại tụt giảm thê thảm.

Giải trình về nguyên nhân lỗ quý IV/2018, ông Võ Thành Thông, Phó tổng giám đốc Agifish cho biết, trong thời gian này, cá tra nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua tăng cao, nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua, dẫn đến không đảm bảo doanh thu.

Agifish sẽ đệ trình Đại hội thông qua việc bán 2 nhà máy đông lạnh

Theo kế hoạch, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 20/2 tới đây, Agifish sẽ đệ trình Đại hội thông qua việc bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8, AGF9 và 2 vùng nuôi tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) để trả các khoản nợ vay và bổ sung vốn lưu động.

Trong khi đó, theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xuất khẩu cá tra là ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong năm 2019 với thị trường tiềm năng là Mỹ và EU. Do vậy, chưa thể khẳng định Agifish sẽ tái cơ cấu thành công hay không, khi quyết định bán đi công cụ sản xuất.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục