Thủy điện “khát nước”, nhiệt điện hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành điện đang có diễn biến trái chiều.
Lưu lượng về các hồ chứa thấp, mực nước hồ tăng chậm nên các nhà máy thuỷ điện vẫn phải phát điện cầm chừng Lưu lượng về các hồ chứa thấp, mực nước hồ tăng chậm nên các nhà máy thuỷ điện vẫn phải phát điện cầm chừng

Thủy điện giảm tốc

Thời tiết khô hạn gần đây đã ảnh hưởng lớn đến công suất phát điện của các nhà máy thủy điện. Lưu lượng nước đến các hồ chứa trên cả nước trong tháng 4 và tháng 5/2023 chỉ bằng 50% so với mức trung bình nhiều năm và các dự báo cho rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6 và 7.

Ngày 21/6, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, dù khu vực Bắc Bộ đã vào mùa lũ, tuy nhiên, lưu lượng về các hồ chứa thấp, mực nước hồ tăng chậm nên các nhà máy thuỷ điện vẫn phải phát điện cầm chừng.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, khu vực miền Bắc đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn cung cấp điện do 5 GW công suất thủy điện hiện không được huy động vì thiếu nước tính đến thời điểm hiện tại.

Tại Thủy điện Hủa Na (mã HNA), trong tháng 5, nhà máy được giao sản lượng 36,2 triệu kWh, nhưng do điều kiện thủy văn không thuận lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh sản lượng của nhà máy chỉ còn 17,6 triệu kWh. Mực nước hồ thấp, tiệm cận mực nước chết, Nhà máy điện Hủa Na chào giá vận hành bám sát các thời điểm giá cao để tối ưu hiệu quả.

Theo đó, HNA tạm tính doanh thu bán điện đạt khoảng 40,5 tỷ đồng trong tháng 5 và 26,5 tỷ đồng trong tháng 4. Trong tháng 6, doanh nghiệp kỳ vọng đạt 54,7 tỷ đồng doanh thu từ bán điện. Nếu đạt mục tiêu, HNA sẽ ghi nhận khoảng 121,7 tỷ đồng doanh thu trong quý II, thấp hơn đáng kể so với mức 196 tỷ đồng ghi nhận trong quý I và mức 200 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 12/6, Công ty cổ phần Sông Ba (mã SBA) thông báo kế hoạch sản xuất - kinh doanh quý II/2023 giảm sâu so với quý I khi tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 27,5 triệu kWh, giảm 58%; doanh thu bán điện 37,34 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Thủy điện Thác Mơ (mã TMP), tại đại hội cổ đông năm 2023, ông Nguyễn Văn Non, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, kết quả kinh doanh quý I của TMP tốt và quý II dự kiến tương đối tốt nhờ được huy động sản lượng phát điện cao, nhưng thực tế cho thấy, doanh thu của Công ty trong quý I giảm 17% so với cùng kỳ.

Nhiệt điện tăng huy động

Với tình hình thủy văn không thuận lợi cho thủy điện, EVN phải gia tăng huy động nguồn điện than và điện khí. Theo kế hoạch, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy điện sử dụng than antracite của EVN trong tháng 6 và tháng 7 là 12,33 tỷ kWh.

Hai doanh nghiệp điện than được kỳ vọng sẽ hưởng lợi là Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) và Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP).

HND đang làm chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2, đặt tại xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Mỗi năm, nhà máy sản xuất 7,2 tỷ kWh điện, cung cấp sản lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, kết quả kinh doanh của HND sẽ hồi phục trong quý II/2023 do sản lượng điện hồi phục nhờ nguồn nhiên liệu được đảm bảo và giá phát điện cạnh tranh trên thị trường điện dự kiến tiếp tục neo ở mức cao, trong khi giá than bắt đầu giảm từ tháng 4/2023. VDSC ước tính, doanh thu quý II/2023 của HND đạt 3.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, nhưng tăng 19% so với quý liền trước.

Ngoài HND, VDSC đánh giá cao QTP với kết quả kinh doanh 2023 tăng trưởng trong bối cảnh cầu lớn hơn cung ở miền Bắc và sự cố của một số tổ máy nhiệt điện than của Phả Lại, Vũng Áng, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 vẫn đang khắc phục.

Bên cạnh điện than, nhóm điện khí với đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) và Tổng công ty Phát điện 3 (mã PGV) cũng được dự kiến huy động nhiều hơn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, POW ước tính sản lượng điện sản xuất đạt 6.969 triệu kWh và doanh thu bán điện đạt khoảng 13.771 tỷ đồng. Sang tháng 6, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 1.434 triệu kWh, doanh thu bán điện đạt 2.674 tỷ đồng. Nếu hoàn thành mục tiêu này, POW sẽ ghi nhận khoảng 16.445 tỷ đồng doanh thu bán điện trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II đạt khoảng 8.653 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán ACB dự báo, doanh thu năm 2023 của POW có thể đạt 35.827 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3.182 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 54% so với mức thực hiện năm 2022.

Tại PGV, trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện đạt khoảng 13,84 tỷ kWh, tăng 5%; tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 21.720 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022. PGV đặt mục tiêu sản lượng điện kế hoạch tháng 6/2023 đạt 2,84 tỷ kWh.

Với việc đạt 21.720 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm và nhu cầu điện tăng cao trong tháng 6, PGV có khả năng vượt kết quả năm trước.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục