Tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội là nội dung đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự.
Trước đó, khả năng Quốc hội sẽ có một kỳ họp bất thường giữa hai kỳ họp thứ tư (bế mạc ngày 15/11/2022) và thứ 5 (tháng 5/2023) cũng đã nhiều lần được đề cập. Một số nội dung dự tính có thể được xem xét tại kỳ họp này cũng từng được tính đến, như Quy hoạch tổng thể quốc gia, giải quyết vướng mắc tại một số dự án BOT, một số vấn đề về ngân sách....
Ở nhiệm kỳ này, Quốc hội đã họp một kỳ bất thường vào đầu tháng 1/2022. Kỳ họp thứ hai này cũng có thể sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Theo nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ tư thì trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh nội dung trên, ở phiên họp thứ 17, theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 2 bên. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia cũng nằm trong nội dung của phiên họp này.