Mới đây, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời nguồn tin là một thành viên của KDC có tham gia vào quá trình đàm phán mua cổ phần DongABank cho biết, hai bên đã ngưng đàm phán. Phía KIDO đã quyết định không mua 1.000 tỉ đồng cổ phần DongA Bank do tình hình tài chính của DongA Bank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện và KIDO cho rằng thời điểm này chưa phải lúc đầu tư vào DongABank.
Tuy vậy, trao đổi với báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn sáng ngày 4/8, đại diện KDC cho hay, KDC vẫn đang trong quá trình thẩm định và đánh giá, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Như vậy, thương vụ M&A giữa KDC và DongABank vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, Hội đồng Quản trị (HĐQT) đã xin trình đại hội kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng tập đoàn Kinh Đô đã rót 1.000 tỉ đồng, với mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của DongA Bank.
Trước đó, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc KIDO cũng cho biết đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và đang trong quá trình thẩm định, đánh giá khả năng đầu tư vào ngân hàng. "Hội đồng quản trị sẽ quyết định sau khi xem xét kết quả đánh giá của kiểm toán và kết quả thẩm định đầu tư".
Mấy năm gần đây, DongA Bank có kế quả kinh doanh khá ảm đạm. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013, tín dụng chỉ tăng 1% trong đó riêng cho vay khách hàng giảm 2,26%. Đến cuối năm 2014, nợ xấu của ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao: 3,7%.
Lợi nhuận DongA Bank liên tục sút giảm từ đỉnh cao năm 2011 đến nay. Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này là 947 tỉ đồng; năm 2012 là 577 tỉ đồng và đến năm 2013 chỉ còn 328 tỉ đồng (trích lập dự phòng rủi ro lên tới 558 tỷ đồng trong năm 2013). Năm 2015, DongA Bank đặt kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 6 lần năm 2014.
Về phía KDC, doanh nghiệp này vừa hoàn tất bán 80% cổ phần ở mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International và cũng cho biết đang tìm kiếm đối tác phù hợp để tiến hành các hoạt động M&A, song chủ yếu là ở ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Công ty đang có lượng tiền mặt 9.568 tỷ đồng, trong đó chi cho cổ tức 4.620 tỷ đồng, dành 1.725 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư dầu ăn, mì gói, các sản phẩm từ sữa... Số tiền còn lại 3.223 tỷ đồng được công bố sẽ dành cho các hoạt động đầu tư khác.