Thương vụ chuyển nhượng Tổng công ty Vàng Agribank: Người bán chần chừ, người mua sốt sắng

Năm 2013, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã có văn bản yêu cầu người đại diện vốn của Agribank tại Tổng công ty Vàng Agribank (AJC) lên kế hoạch thoái 100% vốn, song đến nay, kế hoạch này vẫn chưa trở thành hiện thực, dù nhiều nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn mua lại.
Thương vụ chuyển nhượng Tổng công ty Vàng Agribank: Người bán chần chừ, người mua sốt sắng

Chậm thoái vốn, lỗ nặng nề

Theo báo cáo kết quả hoạt động của AJC, trong tháng 10/2014, chênh lệch thu - chi (chưa lương) của tổng công ty này chỉ đạt vỏn vẹn 47,4 triệu đồng, trong khi chi phí trả lương lên đến 654,1 triệu đồng. Như vậy, tính riêng trong tháng 10, AJC đã lỗ tới 606,7 triệu đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2014, Tổng công ty lỗ 1,59 tỷ đồng. Trước đó, năm 2013, Tổng công ty cũng lỗ 2,7 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ, bộ máy cồng kềnh, hiệu quả kém, nên thu nhập của cán bộ, nhân viên tại AJC liên tục tuột dốc. Năm 2011, thu nhập bình quân của người lao động tại AJC là 7,8 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2012 còn 5,3 triệu đồng/người/tháng. 2 năm gần đây, lương của người lao động tại Tổng công ty chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, cổ đông của AJC không được chia cổ tức và năm nay cũng sẽ như vậy (năm 2012, AJC chia cổ tức gần 4,49%).

Một cổ đông của AJC cho biết, lâu nay, AJC sống dựa quá nhiều vào cơ chế ưu đãi. Nay cơ chế không còn, lại không chịu đổi mới, nên Tổng công ty ngày càng thua lỗ. Cổ đông rất bức xúc bởi mãi đến tháng 7/2014, AJC mới tiến hành đại hội cổ đông báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. “Chúng tôi rất muốn AJC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn để Tổng công ty được tái cấu trúc lại”, vị cổ đông này nói.

Được biết, tháng 10/2013, Agribank đã có Văn bản số 7900/NHNo-ĐT yêu cầu người đại diện vốn lập phương án thoái 100% vốn của Agribank tại AJC, với dự kiến thời gian thoái vốn ngay trong năm 2013. Tuy nhiên, hơn 1 năm đã trôi qua, Agribank vẫn chưa thể thoái vốn tại AJC, trong khi Tổng công ty ngày càng thua lỗ nặng nề.

Ai đang “nhòm ngó” AJC?

AJC có vốn điều lệ 206 tỷ đồng, với 2 cổ đông lớn là Agribank (61,24%) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) (10%). Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, SeABank và các công ty liên quan đang sở hữu tới 34% cổ phần AJC. 

Với nguồn lực hiện nay, khả năng tự tái cơ cấu của AJC là rất khó. Thêm vào đó, Agribank cũng cần phải dồn lực vào hoạt động chính. Vì vậy, việc Agribank thoái 100% vốn tại AJC là quyết định đúng đắn. Song việc thoái vốn lại diễn ra rất chậm chạp, dù đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn mua và cơ chế hiện cũng đã cho phép các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá.

Hai doanh nghiệp quan tâm nhất tới việc thoái vốn của Agribank tại AJC là SeABank và Công ty TNHH Đầu tư tài chính và vàng Mường Thanh. Hiện nay, chỉ cần mua thêm 17% cổ phần là SeABank và các đơn vị liên quan đã có thể nắm cổ phần chi phối tại AJC.

Trong khi đó, Công ty Mường Thanh đã có thư ngỏ gửi tới lãnh đạo Agribank từ năm 2013, đề nghị được mua lại toàn bộ 61,24% cổ phần của Agribank tại AJC. Tuy nhiên, đến nay, Agribank vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào về việc đấu giá công khai bán cổ phần ra công chúng.

“Muốn mua thì trước hết phải có người bán, nhưng người bán đến nay chưa có động thái gì, nên chúng tôi cũng chưa biết thế nào”, ông Nguyễn Thế Lựu, Giám đốc Công ty Mường Thanh nói và cho biết, Mường Thanh chỉ mua lại phần vốn của Agribank trong trường hợp  mua hết hơn 61% cổ phần.

Theo các chuyên gia, AJC thua lỗ, song vẫn là miếng bánh béo bở trên thị trường. Tài sản của AJC không nhiều, song khấu hao gần như đã hết, trích lập dự phòng rủi ro được thực hiện nghiêm chỉnh. AJC lại có đội ngũ nhân lực có tay nghề, kinh nghiệm. Nếu được tái cơ cấu và có người cầm trịch đủ mạnh để đưa bộ máy vào guồng, AJC vẫn có sức cạnh tranh trên thị trường.

Hà Tâm
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục