Thương vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Bên bán, người mua đều nhận trái đắng

Thương vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến thời điểm này có thể coi là trái đắng đối với cả bên bán và bên mua.
Trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: Đức Thanh.

Đáo tụng đình

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) vừa gửi Công văn hỏa tốc số 2116/CIPM-QLXD và 2115/CIPM- QLXD tới Chánh án TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh kháng nghị quyết liệt về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 21/2018/QĐ-BPKCTT của TAND quận Bình Thạnh và Quyết định số 3806/QĐ-CCTHADS (cùng trong ngày 21/8) của Chi cục Thi hành án dân sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty Cửu Long. 

Trước đó, TAND quận Bình Thạnh yêu cầu Tổng công ty Cửu Long không được có hành vi cản trở việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Tập đoàn Yên Khánh) theo hợp đồng các bên đã ký kết cho đến hết 0 giờ ngày 1/1/2019 và phải tạm ngưng cưỡng chế thu hồi số tiền bảo lãnh là 100 tỷ đồng của Tập đoàn Yên Khánh nộp tại Ngân hàngBIDV Chi nhánh Thành Đô theo Hợp đồng số 1513600014094 (474/TBL-BIDV.TĐ) cho đến khi có quyết định của Tòa án.

Đối với việc tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Tổng công ty Cửu Long cho rằng, căn cứ hợp đồng, Tập đoàn Yên Khánh bị phạt chậm thanh toán, nhưng không thực hiện việc nộp phạt, nên Tổng công ty đã có Văn bản số 1910/CIPM-TCKT ngày 30/7/2018 gửi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô yêu cầu tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng.

“Việc Tổng công ty Cửu Long yêu cầu Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô giải ngân toàn bộ số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng nêu trên cho Tổng công ty Cửu Long là hoàn toàn có cơ sở”, ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Cửu Long khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Lai, tính đến thời điểm hiện nay, Tổng công ty Cửu Long chưa có bất cứ hành vi nào cản trở việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với Tập đoàn Yên Khánh.

Tuy nhiên, do Tập đoàn Yên Khánh cố tình không nộp khoản tiền phạt chậm thanh toán, nên Tổng công ty Cửu Long buộc phải đề xuất áp dụng cưỡng chế quản lý thu phí trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo việc thu hồi đủ số tiền phạt, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao, ngày 30/12/2013, Tổng công ty Cửu Long đã ký Hợp đồng mua bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn I số 4746/CIPM-HĐ với Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Yên Khánh (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) - đơn vị trúng thầu thông qua hình thức đấu giá, với giá hợp đồng là 2.004 tỷ đồng, thời hạn thu phí là 5 năm kể từ 0h ngày 1/1/2014 và kết thúc vào 24h ngày 31/12/2018.

Theo Hợp đồng, Tập đoàn Yên Khánh phải nộp đủ số tiền bán quyền thu phí là 2.004 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014, nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh đã nộp gồm 15 đợt và kết thúc đợt cuối vào ngày 31/3/2017.

Đối chiếu các quy định của Hợp đồng, Tổng công ty Cửu Long cho rằng, Tập đoàn Yên Khánh đã vi phạm hợp đồng và phải chịu mức phạt do chậm thanh toán tại hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I) là 264 tỷ đồng.

Để thu hồi số tiền trên, Tổng công ty Cửu Long có rất nhiều văn bản yêu cầu Tập đoàn Yên Khánh thanh toán tiền phạt chậm nêu trên; đồng thời, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long thu hồi ngay số tiền 100 tỷ đồng thông qua việc tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện Hợp đồng và phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện thu hồi kịp thời, đầy đủ số tiền còn lại phải thu từ Tập đoàn Yên Khánh.

Ngày 30/7/2018, Tổng công ty Cửu Long cũng đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô thanh toán toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng là 100 tỷ đồng. 

Ngày 1/8/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức họp yêu cầu Tập đoàn Yên Khánh phải nộp kinh phí phạt chậm trả, sau khi đã trừ thuế VAT.

“Tuy nhiên đến nay, Công ty Yên Khánh biểu hiện “chây ỳ” không những không chịu thanh toán yêu cầu, mà còn kiện Tổng công ty Cửu Long ra tòa án và yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp, gây khó khăn cho quá trình thu hồi tiền phạt nộp ngân sách nhà nước”, ông Lai cho biết. 

Bên mua kiện gì?

Mục tiêu lớn nhất của việc bán quyền thu phí chính là việc Nhà nước thu về ngay một khoản tiền lớn để có kinh phí đầu tư cho các dự án hạ tầng.

Song, việc bên mua thanh toán “lai rai” đến tận tháng 3/2017, đồng thời bị rơi vào cuộc tranh chấp hợp đồng thương mại rất phức tạp, có thể coi là thất bại toàn diện của bên bán thương vụ bán quyền thu phí này.

Trong khi đó, tại đơn khởi kiện gửi TAND quận Bình Thạnh vào ngày 14/8, Tập đoàn Yên Khánh cho rằng, trên cơ sở Hợp đồng số 4746, BIDV Chi nhánh Thành Đô đã đồng ý cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Tập đoàn Yên Khánh đối với Tổng công ty Cửu Long một khoản tiền không vượt quá tổng giá trị 100 tỷ đồng và sẽ giải ngân không điều kiện khi Tập đoàn Yên Khánh vi phạm hợp đồng.

Theo Tập đoàn Yên Khánh, họ đã thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 4746 và không có bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào khác tính đến nay.

Vì vậy, bên mua cho rằng, việc Tổng công ty Cửu Long nói Tập đoàn Yên Khánh chưa nộp khoản tiền phạt để ban hành văn bản gửi BIDV Chi nhánh Thành Đô thanh toán khoản tiền bảo lãnh thực hiện Hợp đồng 4746 là không có căn cứ, bởi lẽ, khoản tiền phạt hiện nay vẫn chưa được các bên thống nhất về cách tính theo các điều khoản của hợp đồng với mức áp dụng là 8% giá trị hợp đồng (theo Luật Thương mại) hay 150% lãi suất cơ bản theo năm do Ngân hàng Nhà nước công bố được dẫn chiếu theo Bộ luật Dân sự.

Cần phải nói thêm rằng, về bản chất, Tập đoàn Yên Khánh đã chấp nhận việc nộp phạt chậm thanh toán, nhưng chỉ đồng ý ở mức 8% giá trị hợp đồng (tương ứng với khoảng 16 tỷ đồng). “Hiện cả Bộ GTVT và Yên Khánh vẫn đang chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Tư pháp, chứ không phải do chúng tôi cố ý dây dưa nộp tiền phạt chậm thanh toán”, đại diện Tập đoàn Yên Khánh khẳng định.

Cũng theo bên mua, Hợp đồng 4746 được xác định là hợp đồng trọn gói, Tập đoàn Yên Khánh không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên, năm 2017, Cục Thuế Long An yêu cầu bên mua phải nộp khoản thuế VAT cho Hợp đồng 4746.

Theo Tập đoàn Yên Khánh, đây là trách nhiệm của bên bán và trên thực tế, Tổng công ty Cửu Long đã yêu cầu bên mua nộp thay khoản tiền này với cam kết sẽ thực hiện khấu trừ lại. Tuy nhiên, đến nay, Tổng công ty Cửu Long vẫn chưa hoàn trả. 

Bên cạnh đó, trong quá trình thu phí, Bộ GTVT cho triển khai thi công lắp đặt giá long môn, các cột CCTV, VDS thuộc Dự án ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương làm ảnh hưởng đến lưu lượng xe lưu thông trên tuyến.

Năm 2015, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt kinh phí đền bù thiệt hại là 2,395 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi phát sinh là 1,156 tỷ đồng). Như vậy, sau khi khấu trừ tiền phạt 16 tỷ đồng, Tổng công ty Cửu Long vẫn còn phải hoàn lại cho bên mua.

“Cả hai khoản công nợ mà bên bán mắc nợ và chưa thanh toán cho bên mua tính đến thời điểm 15/8/2018 là 86,53 tỷ đồng”, Tập đoàn Yên Khánh cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục