Sở hữu trí tuệ sau các FTA: Phải rà soát, sửa đổi luật

(ĐTCK) Là một trong những lĩnh vực quan trọng tại 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai là EVFTA và TPP, các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) được dự báo sẽ có tác động mạnh và trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Sở hữu trí tuệ sau các FTA: Phải rà soát, sửa đổi luật

Do vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia luật tại hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về SHTT” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, việc rà soát hệ thống luật pháp của Việt Nam, đặc biệt là công tác triển khai thực thi nhằm đảm bảo tương thích với các cam kết tại Hiệp định là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI, SHTT là lĩnh vực mà đối tác EU rất quan tâm và có các yêu cầu cam kết cả về nội dung và thực thi khá cao đối với Việt Nam, đặc biệt là liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Từ góc độ của Việt Nam, việc đảm bảo tuân thủ cam kết cao về SHTT đang đặt ra những thách thức lớn, cả từ tiêu chuẩn bảo hộ lẫn cơ chế thực thi. Vì vậy, để tuân thủ các cam kết này, Việt Nam chắc chắn phải rà soát sửa đổi, điều chỉnh pháp luật nội địa cho phù hợp”, bà Trang nhấn mạnh.

"“Từ góc độ của Việt Nam, việc đảm bảo tuân thủ cam kết cao về sở hữu trí tuệ đang đặt ra những thách thức lớn, cả từ tiêu chuẩn bảo hộ lẫn cơ chế thực thi" - bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI.

Kết quả rà soát mới được trung tâm này công bố cho thấy kết quả khá thú vị, đó là, pháp luật Việt Nam hiện hành đã khá tương thích với đa số các cam kết về SHTT trong EVFTA, ở cả 03 định chế lớn của chương về SHTT: các nguyên tắc chung về bảo hộ SHTT, các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT và các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới.

Bà Trang cho biết, đối với các nghĩa vụ “đã tương thích” này, khi thực thi EVFTA, về nguyên tắc Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung bất kỳ nội dung nào của các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nhiều nghĩa vụ trong EVFTA đòi hỏi rất cao trong việc yêu cầu bảo hộ “đầy đủ” và “hiệu quả”.

Trong khi đó, thực tế thực thi bảo hộ SHTT ở Việt Nam hiện có nhiều bất cập và mức độ hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào công tác thực thi trên thực tiễn để đảm bảo thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tương thích”.

Đối với các cam kết “chưa tương thích”, hiện chỉ có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 Chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm.

Bên cạnh đó, một nhóm tương đối các cam kết trong EVFTA mà pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có quy định nhưng chưa hoàn toàn tương thích, bao gồm: một số quyền phải ghi nhận đối với người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; một số biện pháp bảo hộ chi tiết nhằm chống lại hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền hay các thông tin quản lý quyền; một số tiêu chuẩn bảo hộ mới đối với kiểu dáng công nghiệp; một số yêu cầu tăng cường thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong triển khai các biện pháp dân sự trong thực thi quyền SHTT.

Đối với các trường hợp này, theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu rà soát, cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung pháp luật chung áp dụng cho mọi chủ thể, thay vì xây dựng một văn bản riêng chỉ áp dụng cho EU. Quan trọng hơn, cần tăng cường công tác thực thi để đảm bảo tính nghiêm minh của các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và tuân thủ một cách thực chất các cam kết EVFTA.

Chỉ ra điểm bất hợp lý của luật pháp Việt Nam về SHTT, Luật sư Quách Minh Trí (Công ty Luật Baker & McKenzie Vietnam) cho rằng, Điều 4.20 Luật SHTT hiện nay yêu cầu nhãn hiệu nối tiếng cần phải được biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam là điều không rõ ràng.

“Khái niệm toàn lãnh thổ Việt Nam rất mơ hồ và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng trên thực tiễn. Một nhãn hiệu nổi tiếng có cần thiết được biết đến tại mọi huyện xã của Việt Nam hay không? Trong khi luật pháp quốc tế hiện nay chỉ yêu cầu, một nhãn hiệu nổi tiếng chỉ cần được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực liên quan mà không cần phải nổi tiếng đối với công chúng nói chung, bao gồm cả trong các lĩnh vực không liên quan”, ông Trí nêu vấn đề.

Theo ông Trí, thực tế, Cục SHTT và các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng không yêu cầu một nhãnhiệu phải nổi tiếng với phần đông công chúng, do đó, điều này cần được chỉnh sửa để tương thích với luật quốc tế hiện hành và thực tế áp dụng.

Bên cạnh đó, Luật sư Trí cũng đặc biệt lưu tâm đối với quy định về việc kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế dược phẩm trong trường hợp phải xin cấp phép lưu hành (marketing approval), Hiệp định TPP cũng có quy định này, song không chỉ rõ thời hạn tối đa (2 năm) như EVFTA. Do đó, ông Trí cho rằng, cần sửa đổi quy định của luật theo hướng mở rộng phạm vi nghiên cứu ra cả TPP, bởi vì các cam kết của Việt Nam trong TPP và thậm chí cao hơn cũng đương nhiên sẽ được áp dụng cho EVFTA.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục