Dệt may nhận diện rõ thách thức

(ĐTCK) Được đánh giá là ngành có cơ hội hưởng lợi lớn trong thương chiến Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại tự do mới ký kết, nhưng dệt may còn nhiều thách thức phải vượt qua để hiện thực hóa cơ hội.
Dệt may nhận diện rõ thách thức

Nhìn thẳng vào khó khăn

Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu lo lắng và doanh nghiệp Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu 40 tỷ USD; trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, EU đứng thứ hai với tỷ trọng 21,5%. Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xét về thị phần xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ, Việt Nam đang đứng thứ ba sau Trung Quốc, Ấn Ðộ, nhưng một số nước đang bám đuổi sát phía sau. Nếu Việt Nam không đặt ra được một chiến lược tốt thì sẽ khó gia tăng cơ hội tăng trưởng.

“Hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp dệt may phải tự đi bằng chính đôi chân của mình, xác định xây dựng thương hiệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ sản phẩm và không tiếp tay cho những hành động gian lận thương mại, gian lận xuất xứ”, ông Giang nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới câu chuyện xuất xứ hàng hóa, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch.

Một thách thức lớn từ bên trong mà doanh nghiệp Việt Nam dệt may đang phải đối mặt là lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ đang mất dần. Hiện nay, lương trung bình của một lao động trong ngành dệt may vào khoảng 350 - 400 USD/tháng. Các khoản chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí công đoàn cũng đang tăng lên khiến doanh nghiệp dệt may gặp gánh nặng không nhỏ về chi phí nhân công.

Trong khi đó, chi phí nhân công của ngành dệt may tại các nước như Bangladesh, Srilanka, Lào… chỉ từ 150 - 200 USD. Họ cũng đang bám đuổi rất sát sao trong tìm kiếm đơn hàng cạnh tranh với doanh nghiệp Việt. Một thực tế nữa là năng suất lao động của Việt Nam thấp cũng khiến doanh nghiệp đau đầu trong bối cảnh chi phí leo thang.

Vấn đề nguồn cung nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), cũng đang là thách thức của ngành. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ, hàng hóa Việt Nam xuất đi không được hưởng ưu đãi thuế, đặc biệt đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

“90% nguyên phụ liệu trong dệt may của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp”, bà Trang nhận định.

Tìm kiếm động lực

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu xuất xứ, cần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may.

Một vài năm trước, Việt Nam gặp khó khi phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nhưng tình hình đang dần được cải thiện. Việt Nam hiện sản xuất hơn 10 triệu cọc sợi và 3 năm nay là nước xuất khẩu sợi. Năm 2018, Tập đoàn Sudwolle của Ðức đã đầu tư nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Ðà Lạt, một doanh nghiệp Isarel đầu tư 13 triệu USD xây dựng nhà máy dệt - nhuộm - may Delta Gali Việt Nam tại Phù Cát (Bình Ðịnh).

TNG đã đầu tư nhà máy bông. Mới đây, Nhà máy dệt Bảo Minh tại khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Ðịnh) với giá trị đầu tư lên tới 75 triệu USD được đưa vào hoạt động phần nào giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu vải, giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng may mặc Việt Nam.

“Tuy nhiên, chìa khóa tận dụng cơ hội, không ai khác là doanh nghiệp cần chủ động hơn, chủ động tìm hiểu về các hiệp định FTA thế hệ mới. Hiện nay, còn rất nhiều doanh nghiệp mù mờ về vấn đề này dẫn đến bỏ qua cơ hội. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công thương, VCCI nên sớm có danh sách các dòng thuế, từng mặt hàng, mã HS được hưởng ưu đãi để doanh nghiệp soi chiếu, có cái hình dung cụ thể hơn và có động lực hơn”, ông Giang kiến nghị.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may. Thuế quan tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, trong đó 77% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

EU cũng là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may. Ðể tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp dệt may phải cải cách mạnh mẽ để đón sóng. 

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục