ANZ: Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm trở lại trong tháng 7

(ĐTCK) Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của ANZ-Roy Morgan đã giảm 4,5 điểm xuống còn 138,6 điểm trong tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở trên mức trung bình của cả năm 2014 là 133,3 điểm và vẫn cao hơn 4,5 điểm so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7/2014 (134,1 điểm).
Ảnh Internet Ảnh Internet

Báo cáo của ANZ cho biết, sự sụt giảm trong tháng 7 chủ yếu là do niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới và 5 năm tới giảm và số người tiêu dùng tham gia khảo sát tin rằng “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình giảm.

Xét về tình hình tài chính cá nhân, 34% (giảm 2%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” năm trước, mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này kể từ tháng 1 năm 2015. Mặt khác, 21% (giảm 1%) người tiêu dùng cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn”.

63% (tăng 2%) người tiêu dùng kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới, đánh dấu mức cao nhất từng được ghi nhận cho chỉ số này. Đồng thời, chỉ có 5% (không thay đổi) người tiêu dùng dự đoán tình hình tài chính gia đình họ sẽ “xấu hơn”.

Thêm vào đó, 50% (giảm 8%) người tiêu dùng cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới (mức thấp nhất cho chỉ số này kể từ tháng 1, 2015). Trong khi đó, 13% (tăng 3%) người tiêu dùng dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.

Xét về dài hạn, 64% (giảm 2%) người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới trong khi đó 7% (tăng 3%) người tiêu dùng Việt Nam dự đoán rằng tình hình kinh tế sẽ ở “trạng thái xấu”.

Cuối cùng, 40% (giảm 7%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình (mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này kể từ tháng 12, 2014) trong khi 12% (không thay đổi) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng “đây là thời điểm xấu” để mua các vật dụng này.

Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cho rằng, sự phân cực trong nền kinh tế Việt nam hiện đang có chiều hướng thay đổi.

Ở giai đoạn trước, sự phục hồi nền kinh tế được thể hiện bởi sự vượt trội của khối ngoại (xuất khẩu và FDI) so với khối nội địa và kinh tế hộ gia đình. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của chúng tôi đã cho thấy rõ sự phân đôi này đang bắt đầu nhường chỗ cho một nền kinh tế dần ở trạng thái cân bằng hơn.

Tuy nhiên, một sự phân đôi mới đang được hình thành. Một tỷ lệ rất chắc chắn 63% (tăng 2%) người tiêu dùng kỳ vọng rằng tài chính gia đình họ sẽ tốt hơn vào thời điểm này trong năm sau – ghi nhận một mức cao kỷ lục cho chỉ số này. Việc đánh giá tình hình tài chính cá nhân nói chung đã lật lại xu hướng giảm lạc quan về triển vọng nền kinh tế cả về ngắn hạn và dài hạn.

Một điều quan trọng cần cân nhắc ở đây có lẽ là thông tin rộng rãi về đề xuất tăng lương tối thiểu trong năm 2016. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vừa đề xuất tăng từ 16 - 17% các mức lương trong năm 2016.

“Nếu Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua đề xuất, việc tăng mức lương tối thiểu chắc chắn sẽ củng cố mạnh mẽ nhu cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố thiếu chắc chắn hơn. Hướng đến 2016, chúng tôi tiếp tục giữ vững lạc quan về sức mạnh và độ bền bỉ của sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là phân khúc tiêu dùng”, ông Glenn Maguire nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục