Thưởng, phạt rõ ràng hơn với HĐQT

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ thường niên 2013 đã đi đến chặng cuối, triển vọng kinh doanh khó khăn khiến cổ đông khó tính hơn trong việc thông qua mức thù lao cho HĐQT.
Thưởng, phạt rõ ràng hơn với HĐQT

Thưởng, phạt rõ ràng hơn với HĐQT  ảnh 1Nhiều DN gắn quỹ tiền lương với doanh số và lợi nhuận kế hoạch

 

Những năm trước, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN không khó khăn như hiện nay, thì phương án thù lao cho HĐQT và Ban điều hành dễ dàng được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều công ty kinh doanh thua lỗ hoặc không hoàn thành chỉ tiêu như vừa qua, ngoài nguyên nhân khách quan do môi trường kinh doanh gặp khó khăn, còn có một phần trách nhiệm của HĐQT, Ban điều hành - những người đưa ra chiến lược và những quyết định đầu tư của công ty. Do đó, cổ đông bắt đầu khó tính hơn trong việc thông qua mức thù lao cho HĐQT, một phần để tăng trách nhiệm, một phần là nếu quỹ thù lao cho HĐQT giảm đi thì phần lợi nhuận giữ lại sẽ tăng lên. Thực tế cho thấy, trong mùa ĐHCĐ 2013, vấn đề này không chỉ nóng đối với những DN đang trong tình trạng khó khăn, thua lỗ, mà ngay cả với các DN hoạt động tốt cũng được đưa ra với chế độ thưởng, phạt rõ ràng.

Cụ thể, tại ĐHCĐ của CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) diễn ra ngày 20/5, ngoài việc thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu tiêu thụ sản phẩm đạt 6.015,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 724,9 tỷ đồng, cổ tức 15% và kế hoạch kinh doanh trong năm 2013 với doanh thu tiêu thụ sản phẩm 6.537 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng, cổ tức 16%, Đại hội đã thông qua kế hoạch tiền lương, thù lao và tiền thưởng năm 2013 cho HĐQT, Ban kiểm soát. Theo đó, quỹ tiền lương, thù lao năm 2013 của HĐQT, Ban kiểm soát được giữ nguyên bằng mức thực hiện năm 2012, bằng 0,28% lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, quỹ tiền lương này chỉ được thực hiện khi HĐQT và Ban kiểm soát Công ty hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, trong trường hợp không hoàn thành một trong các chỉ tiêu đó thì căn cứ vào mức độ thực hiện và mức độ quan trọng của từng chỉ tiêu để xác định mức độ giảm trừ quỹ lương theo nguyên tắc, giảm 1% chỉ tiêu kế hoạch thì giảm 0,3% quỹ lương kế hoạch.

ĐHCĐ của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) cũng quyết định gắn quỹ tiền lương với doanh số và lợi nhuận kế hoạch. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013 với doanh thu dự kiến đạt 598,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 96 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền 30%. Phương án chi trả tiền lương kinh doanh, thù lao, tiền thưởng HĐQT, Ban kiểm soát năm 2013 như sau: đơn giá tiền lương/1.000 đồng doanh thu là 95 đồng, với yêu cầu phải thực hiện được kế hoạch lợi nhuận. Có nghĩa là quỹ tiền lương năm 2013 được xác định căn cứ theo đơn giá tiền lương trên và doanh thu thực hiện năm 2013 nếu đảm bảo 100% kế hoạch lợi nhuận. Về vấn đề thưởng, phạt HĐQT, Ban điều hành, ĐHCĐ NSC cũng nhất trí phương án: nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và đảm bảo các chỉ tiêu về cổ tức tối thiểu 30% thì thưởng cho HĐQT, Ban điều hành 1,5% lợi nhuận kế hoạch; nếu vượt kế hoạch lợi nhuận được trích thêm 20% để thưởng cho Ban điều hành và CBCNV; nếu lợi nhuận hụt thì phạt với tỷ lệ tương ứng.

Đáng chú ý, ĐHCĐ CTCP Hacisco thông qua việc HĐQT, Ban kiểm soát sẽ chỉ được hưởng 50% mức thù lao nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, trong Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Kasati còn thông qua việc sẽ không không trả thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát trong trường hợp Công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ.

Mới đây, ĐHCĐ của CTCP Đầu tư xây dựng 3-2 (C32) cũng nóng với vấn đề thù lao cho HĐQT, Ban điều hành, khi nhiều cổ đông cho rằng, nếu DN không đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra mà HĐQT, Ban tổng giám đốc vẫn được hưởng thù lao, tiền thưởng là không phù hợp, nên quy định có thưởng, có phạt. Cụ thể, hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh sẽ biểu quyết 100% các khoản thù lao HĐQT, lương Ban tổng giám đốc; nếu không hoàn thành kế hoạch sẽ trừ tương ứng trong phần thù lao 3% và quỹ khen thưởng 2% (ví dụ, giảm 10% doanh thu thì giảm 10% thù lao và thưởng tương ứng).

Ông Võ Văn Lãnh, Chủ tịch HĐQT C32 chia sẻ, thực tế kế hoạch kinh doanh không phải lúc nào cũng đạt 100%, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn có nhiều khó khăn như hiện nay, việc đạt được 90% kế hoạch đề ra cũng nên được coi như là hoàn thành.

Huyền Vy
Huyền Vy

Tin cùng chuyên mục