1. Cách đây 5 năm, tôi gặp Sương tình cờ khi cô tới mua căn nhà của người quen. Lúc đó, Sương đang làm trong một cơ quan nhà nước có uy tín.
Sương có cặp chân mày rậm, mắt sâu, có lần cô bạn đi cùng về thì thào, “nhìn tướng tá Sương thấy có vẻ gì đó không tin cậy lắm”. Tôi chẳng rành về tướng số, nhưng độ không tin cậy thì có thể đồng quan điểm vì nhận thấy ở Sương có sự bất nhất trong lời nói và việc làm.
Sau đó, đồng nghiệp làm chung với Sương kể, cô vay mượn tiền bạc tứ tán khắp nơi. Thậm chí, người đàn bà này còn giả bộ xin được việc làm cho nhiều người khác, rồi cầm khoản tiền chi phí ấy, đi thẳng không một lời hẹn gặp lại.
Người ta kiện cáo, gửi đơn tới công an, nhưng Sương lập tức nghỉ việc, về nhà đẻ con liên tiếp, không có công ăn việc làm gì. Trước đây, vợ chồng Sương còn có căn nhà cấp 4 nhỏ nhỏ để ở, rồi chẳng biết vay nợ thế nào, bán đi ở nhà thuê.
Ngặt tới mức, nhà thuê đầu tiên cũng loanh quanh gần chỗ nhà cũ đã bán, rồi dần dần chuyển ra xa hơn, xa hơn nữa. Ông chồng nhu nhược, cứ sáng cắp ô đi tối cắp về, đến khi bể nợ ra cũng vẫn ngơ ngác nói không biết vợ làm gì, thế nào mà ai cũng điện thoại đòi tiền suốt ngày.
Rồi vợ chồng Sương tất nhiên không mua được căn nhà của bạn tôi, vì chẳng đủ tiền. Chuyện tưởng qua đi, bao nhiêu số phận khác chất chồng còn bi kịch hơn nhiều, nên tôi cũng quên hẳn. Đột nhiên gần đây, lại tình cờ gặp ông chồng của Sương ở văn phòng luật sư quen.
Ông này có mặt tại đó vì có người đi đòi tiền mãi không được, bèn đưa ra luật sư. Khuôn mặt sầu não, người đàn ông này kể, trong 7 năm qua, họ đã sinh liên tiếp 3 đứa con, chuyển hơn chục căn nhà thuê và bà vợ thì “chẳng hiểu làm giống gì” mà cứ vay mượn hết tiền của người này tới người khác rồi ăn xài hết. Cứ có người tới đòi tiền, thì lại chuyển nhà. Cứ có người điện thoại đòi tiền, thì lại chuyển số điện thoại. Giờ thì cặp đôi đang chuẩn bị ly hôn, để còn phân định rõ chuyện chia đôi số nợ.
“Bao năm nay em khổ sở vì con vợ em. Cứ làm ra bao nhiêu tiền thì đi trả nợ hết. Rồi mất bạn bè dần dần. Nhiều lúc buổi trưa còn không có đủ tiền để mua hộp cơm bình dân, thì còn nói chi tới việc gầy dựng mái ấm, tích cóp mua nhà”, ông chồng rầu rĩ kể.
2. Thông thường, cặp vợ chồng trẻ cưới nhau sẽ đi ở nhà thuê, sau đó cùng đi làm và tiết kiệm tiền mua nhà. Cuộc sống cứ thế trôi đi, với bao nhiêu vui buồn trong cuộc đời.
Người ta có thể tận hưởng cuộc sống hạnh phúc cùng nhau, với những đứa con xinh xắn. Nhưng người ta cũng có thể dằn hắt nhau trong sự không hòa hợp và cuối cùng thì ly hôn.
Dù nguyên nhân gì, thì mọi điều đều phải diễn ra dưới một mái nhà. Những đứa con đôi khi là điều kiện để họ ràng buộc nhau, lưỡng lự trong chữ ký ở tờ đơn ly dị. Nếu đã không còn chung nhà, dù là nhà mua hay nhà thuê, thì cũng chẳng còn nghĩa lý của đời sống hôn nhân gắn kết.
Tôi nghĩ mãi về lòng tham của con người, về lời nhận xét ngoại hình người đàn bà tên Sương kia, cảm thấy thực khó giải thích. Cặp vợ chồng này, về cơ bản có công ăn việc làm ổn định. Họ cũng từng có mái nhà để ở, có cuộc sống khá bình an. Vậy thì hà cớ gì mà cứ muốn lấy tiền của người khác về làm của riêng mình, để rồi cuối cùng vẫn mất sạch mọi thứ.
Sự tham lam chẳng phải là muốn có nhiều hơn thứ mình đang có hay sao? Thế mà lại mất luôn cả thứ đã có, thì há chẳng phải đó là hậu quả nhãn tiền? Tham làm chi vậy trời!
Bởi vậy, đôi khi chuyện người, mà có nhiều bài học cho mình. Nhà của người, mà lại ngẫm tới nhà của mình. Rất liên quan!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com