Theo đó, trong quý III/2020, TMC ghi nhận doanh thu đạt 333 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chính là mảng kinh doanh xăng dầu trong quý III chỉ ghi nhận doanh thu 296 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh hàng hóa điện máy không có doanh thu, trong khi cùng kỳ năm ngoái thu về 19 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận gộp tăng cộng thêm tiết giảm một số khoản chi phí, lãi ròng của doanh nghiệp đạt 6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 326 đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, TMC mang về 1.048 tỷ đồng doanh thu, giảm 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 80%, chỉ còn 2,6 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý II, doanh thu hoạt động kinh doanh xăng dầu sụt giảm mạnh đã dẫn đến doanh nghiệp phải chịu khoản lỗ ròng 3,8 tỷ đồng.
Trong khi năm 2020, TMC đặt kế hoạch doanh thu 2.396 tỷ đồng và lãi sau thuế 17,6 tỷ đồng. Như, sau 9 tháng, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận.
Đến thời điểm 30/9/2020, TMC ghi nhận giá trị tài sản ngắn hạn hơn 115 tỷ đồng, giảm 31% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 56 tỷ đồng, giảm 46%. Tổng tài sản của Công ty ở mức gần 304 tỷ đồng, giảm hơn 13%.
Theo ban lãnh đạo của TMC, năm 2020 là năm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi một số chính sách của Nhà nước về quản lý xăng dầu trong lĩnh vực kinh doanh ngày càng chặt chẽ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu nhiều áp lực tăng chi phí.
Ngoài ra, khung giá đất giai đoạn 2020-2024 dự báo tăng bình quân 15-45%, tiền thuê đất tăng cùng các thủ tục đầu tư làm trở ngại chuyển nhượng đất sản xuất kinh doanh. Do vậy, Công ty không có nhiều cơ hội để tích lũy trong khi chiết khấu, hoa hồng bán xăng dầu không cao.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TMC đang được giao dịch ở mức 16.400 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 12/10/2020), tăng 64% trong vòng hơn 1 tháng qua. Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây chỉ đạt 51 đơn vị/phiên.