Thương hiệu Holden sẽ sớm trở thành… kỷ niệm

(ĐTCK) Ở Australia, hầu như không ai là không biết đến thương hiệu xe ô tô Holden. Đây là thương hiệu xe bình dân đã từng phổ biến ở Australia đến mức tương tự như ở Việt Nam gần gũi với thương hiệu xe máy Honda. Holden chính là chi nhánh của General Motors (GM) tại Australia và là một trường hợp nội địa hóa thành công hiếm có của một hãng xe nước ngoài trên phạm vi toàn cầu. Thành công đến mức nó hầu như trở thành thương hiệu xe riêng của Australia. Ngay cả nhiều người sử dụng xe nhiều năm cũng không mảy may nghĩ rằng, gốc gác chính của nó là Mỹ, chứ không phải là Australia.
Thương hiệu Holden sẽ sớm trở thành… kỷ niệm

Chính vì vậy, mà dư luận chung, Chính phủ và nhiều người dân Australia, nhất là những ai đã và đang gắn bó với Holden đã phản ứng khá dữ dội trước quyết định của GM sẽ dừng sản xuất và lắp ráp xe Holden bắt đầu từ cuối năm 2017.

Hậu quả là hai nhà máy sản xuất lắp ráp xe ở bang Victoria và Nam Australia sẽ đóng cửa; khoảng 2.900 công nhân làm việc trực tiếp ở đây sẽ mất việc làm. Đó là chưa kể các nhà máy vệ tinh, cung cấp phụ tùng, linh kiện cũng bị vạ lây.

Quyết định trên do ông Dan Akerson, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO) GM ký vào cuối tuần qua, Đây là một trong số những quyết định lớn cuối cùng do chính ông đặt bút ký trước khi nghỉ hưu từ ngày 15/1/2014.

Ông Dan Akerson lý giải, các lý do chính như giá đồng dollar Australia cao (so với USD và các ngoại tệ mạnh khác), chi phí sản xuất lớn (so với ở các nước ở châu Á, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) và thị trường nhỏ (chỉ có hơn 22 triệu dân) và đã bão hoà khiến cho GM phải dừng sản xuất Holden. Tuy nhiên, GM vẫn duy trì bộ phận bán hàng và trung tâm phân phối các sản phẩm, phụ tùng để phục vụ các xe mang thương hiệu Holden và GM ở Australia.

Như vậy, từ năm 2017, sau hơn 69 năm tồn tại (kể từ năm 1948), thương hiệu Holden sẽ trở thành... kỷ niệm với người Australia.

Ông Mike Deveraux, CEO Holden phát biểu một cách buồn bã rằng: “Quyết định được đưa ra từ tổng hành dinh GM tại Mỹ là không thể đảo ngược được”.

Phát biểu với báo giới Australia, ông Tony Abbott, Thủ tướng Australia bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định trên. Ông cũng thừa nhận, các đời chính phủ của Australia đều đã nhìn thấy vấn đề và đều có chính sách trợ cấp, thông qua nhiều hình thức khác nhau, song xét cho cùng, về lâu dài, Holden cũng khó lòng tồn tại và phát triển.

Theo nhiều nhà phân tích, sau Đại chiến thế giới lần thứ II, Australia là một thị trường tiêu thụ ô tô đầy tiềm năng, vì thế từ năm 1948, GM đã bắt đầu đầu tư vào đây. Thời kỳ hoàng kim của Holden là những năm 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, khi Holden liên tục chiếm hơn 50% thị phần xe ô tô ở thị trường trong nước và xuất khẩu xe sang gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kể từ những năm 90 trở đi, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc, Holden bị mất dần lợi thế và theo đó, thị phần bị teo tóp dần.

Hiện tại, thị trường xe hơi ở Australia đã trở nên bão hoà và đây là một trong số những thị trường ô tô có sức cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới hiện nay. Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã lần lượt rút lui không kèn không trống khỏi Australia.  

Năm 2004, Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) đã đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô ở Lonsdale (bang Nam Australia). Gần đây nhất, vào tháng 5/2013, Tập đoàn Ford (Mỹ) cũng đã thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất xe ô tô tại Australia vào năm 2016. Sắp tới, sẽ chỉ còn lại mỗi Toyota (Nhật Bản) là còn nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô ở Australia. Còn một mình một chợ, song Toyota cũng chẳng hy vọng gặt hái gì nhiều.

Trở lại với trường hợp đóng cửa nhà máy của Holden. Ông Goran Roos, Giáo sư Đại học Adelaide (bang Nam Australia) nhận xét: “Tình hình là rất ảm đạm với các công nhân của Holden, khi phải đi tìm việc làm mới. Ở bang Nam Australia, công nhân sẽ chỉ nhận được các công việc có mức lương thấp hơn, cùng với điều kiện lao động kém hơn. Nhiều người thậm chí còn không tìm được việc”.

Ông Craig Oxenham, làm việc ở dây chuyền lắp ráp xe của Holden buồn bã nói: “Đây là tin buồn cho mùa Giáng sinh năm nay. Tôi đã làm việc 26 năm ở nhà máy. Đến năm 2017, tôi sẽ bước vào tuổi 47. Ở tuổi đó, tìm được việc làm tương xứng và thích hợp quả là rất khó”.

Giới kinh doanh Australia cũng cảm thấy buồn, khi thêm một thương hiệu lừng lẫy của mình bị rơi rụng. Trước đó, thương hiệu bia số 1 Foster’s của Australia đã bị Tập đoàn SABMiller có trụ sở chính ở London (Anh) thâu tóm; 49,9% cổ phần của Công ty sản xuất giày nổi tiếng RM Williams (Australia) cũng đã thuộc về Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) của Pháp. Nay đến lượt Holden bị khai tử thì quả là buồn thật!


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục