Vẫn chưa đáng ngại
Dữ liệu công bố bởi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) tại bang Arizona cho thấy chỉ số hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Mỹ trượt từ mốc 48,1 tháng 11/2019 còn 47,2 trong tháng 12, đánh dấu cú lặn sâu nhất kể từ tháng 6/2009, cùng với đó là lượng đơn hàng mới và việc làm tại các nhà máy cũng xuống mức thấp trong nhiều năm qua. Số liệu trên làm tiêu tan hy vọng việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ là cú hích của khu vực sản xuất của Mỹ.
Chỉ số trên xuống dưới mức 50 cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đang bị thu hẹp và tháng 12/2019 đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này đứng dưới thang tham chiếu 50. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng chỉ số trên sẽ nhích lên so với tháng 11/2019 và đạt 49,0 trong tháng 12 nhờ tin vui thương chiến “hạ nhiệt”.
Khu vực sản xuất của Mỹ đã chịu sức ép lớn từ thương chiến Mỹ - Trung trong nửa cuối năm 2019. Các đòn ăn miếng trả miếng thuế quan của hai bên đã níu lưu lượng hàng hóa giữa hai bên chậm lại, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị "vạ lây".
Tháng 12/2019, hai bên tuyên bố đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết thỏa thuận này sẽ được ký vào ngày 15/1 tại Washington và các nội dung đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ được xúc tiến sớm.
“Sức khỏe thương mại toàn cầu vẫn là vấn đề đáng ngại nhất của các ngành, lĩnh vực. Nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động của một số ngành sẽ được cải thiện từ việc Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1", ông Tim Fiore, Trưởng Ban Khảo sát Hoạt động sản xuất thuộc ISM nhận định.
Ngoài tác động xấu từ thương chiến, khu vực sản xuất của Mỹ cũng chịu trận khi Boeing thất bại đưa dòng máy bay 737 Max hoạt động trở lại. Điều này báo hại ngành thiết bị vận tải, biến ngành này trở thành ngành yếu trong 6 ngành công nghiệp lớn của Mỹ, ông Fiore cho biết. Boeing sẽ ngừng sản xuất máy bay 737 Max trong tháng này cho đến khi giới chức cho phép bay trở lại sau hai vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay này.
Trong khi đánh giá tổng thể của ISM cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 12/2019 sụt giảm mạnh nhất hơn 10 năm qua, ông Fiore lại cho rằng, biên độ co giãn của chỉ số này mới vẫn quanh thang tham chiếu 50. Chỉ số trên vẫn chưa ở mức thấp quá, nó vẫn dao động quanh dải biên độ tăng/giảm nhẹ, ông Fiore khẳng định.
Thông thường, cảnh báo suy thoái kinh tế sẽ được đưa ra nếu chỉ số hoạt động sản xuất của các nhà máy giảm xuống dưới mức 43. Tình hình sản xuất trì trệ là một trong những lo ngại thúc ép Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019, dù cơ quan này đã nỗ lực giảm chi phí vay vốn và nhiều quan chức Fed, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell tỏ ra hài lòng với tình hình kinh tế Mỹ năm qua.
Tăng đầu tư xây dựng
Về cơ bản, nền kinh tế Mỹ được đánh giá ở trạng thái tương đối tốt về gần cuối năm 2019, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và chi tiêu tiêu dùng ở mức lành mạnh, đóng góp khoảng 70% cho kinh tế nước này.
Thị trường nhà ở cũng đóng góp tích cực vào bức tranh kinh tế Mỹ năm 2019 sau thời gian dài chững lại. Theo Bộ Thương mại Mỹ, đầu tư xây dựng tại nước này đã tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong tháng 11/2019, còn các doanh nghiệp xây dựng cũng mạnh tay hơn với các khoản đầu tư cho các dự án. Đầu tư xây dựng tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 11 nhờ lực kéo của phân khúc nhà riêng với mức tăng trưởng 1,9%.
Chất xúc tác nữa cho tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 đến từ ngành ô tô. Một số nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ hôm 3/1 cho biết doanh số xe bán tải tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ các chương trình giảm giá dịp lễ và cho vay mua xe lãi suất thấp. Tổng doanh số ô tô năm 2019 của Mỹ dự báo giảm khoảng 1% so với năm 2018, nhưng vẫn giữ được mốc trên 17 triệu xe được bán ra trong năm thứ 5 liên tiếp.