“Thuốc mới” tiếp lực cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Cuối tuần qua, cổ đông nội bộ tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã đăng ký mua vào cổ phiếu để trợ lực cho sức cầu và tăng tỷ lệ sở hữu. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giảm lãi suất điều hành đã tiếp sức cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh nỗi sợ dịch bệnh làm kinh tế suy thoái và khủng hoảng tâm lý đang ở mức cao trào.

Hòa Phát là tập đoàn lớn đầu tiên tại Việt Nam công bố việc con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG, dù mức giảm giá của mã này không lớn so với nhiều mã khác.

Ðộng thái từ nội bộ giúp tâm lý nhà đầu tư đại chúng ổn định hơn, cổ phiếu HPG thoát giá sàn dù khối ngoại vẫn bán ròng 5-6 triệu cổ phiếu HPG mỗi phiên.

Hàng loạt cổ đông nội bộ của AAA, DHC, DRC, PGC... sau đó cũng đăng ký mua vào cổ phiếu. Các công ty lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ có PAN, AAA, FMC, HDC, TPB, DPG...

Về vĩ mô, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành sẽ tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế.

Nếu lãi suất tiết kiệm giảm, thì các cổ phiếu đang có cổ tức/thị giá ở mức cao hơn lãi suất tiết kiệm sẽ trở nên hấp dẫn hơn hơn.

Thống kê của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, trên sàn hiện nay có nhiều cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức/thị giá từ 10% trở lên, công ty có tài chính tốt, lĩnh vực kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp có thể bị suy giảm doanh thu, lợi nhuận, chậm kế hoạch kinh doanh, nhưng khó có thể thua lỗ, dẫn đến suy giảm vốn chủ sở hữu.

Thực tế, trừ những doanh nghiệp trong các ngành như hàng không, dệt may, thủy sản, xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp sản xuất khác có thị trường nội địa chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục sản xuất, bán hàng như ngành thực phẩm, tôn thép, nhựa bao bì, bất động sản (nếu có dự án đủ điều kiện).

Nhiều chủ doanh nghiệp niêm yết tuy có lo ngại về dịch bệnh kéo dài có thể kích hoạt khủng hoảng kinh tế, nhưng khả năng này được đánh giá là rất thấp, do tiềm lực của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp đầu ngành hiện nay tốt hơn nhiều so với năm 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ðiểm mấu chốt lúc này là doanh nghiệp cần giữ được tỷ lệ nợ vay ở mức an toàn.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, năm 2020 nền kinh tế gặp khó khăn do các tác động bên ngoài, song các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững với lạm phát được kìm chế, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán đang thặng dư.

TTCK Việt Nam đã giảm nhiều vào năm 2019, nên trong năm 2020 không có tình trạng bong bóng.

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới là suy thoái, suy giảm tăng trưởng, chứ chưa ở mức khủng hoảng. Vì thế, TTCK có thể còn suy giảm, nhưng sẽ không nhiều như giai đoạn khủng hoảng 2008, giảm đến 70%.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã khuyên nhà đầu tư nên tin vào nội lực của nền kinh tế, của các doanh nghiệp niêm yết để tránh việc bán tháo.

Ông cũng cam kết sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.

Trong tuần tới, UBCK dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính đề xuất về giải pháp hỗ trợ TTCK.

Với sự vào cuộc của nhiều chủ thể thông qua các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để ứng phó với đại dịch, hy vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ trụ vững để không bị mất mát quá đà.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục