“Thuốc chữa” cổ phiếu yếu thanh khoản

(ĐTCK) Ngay cả trong thời kỳ thanh khoản bùng nổ như hiện nay, trong một ngày theo dõi ngẫu nhiên, vẫn có tới 50% mã cổ phiếu niêm yết có thanh khoản dưới 100.000 đơn vị. 
“Thuốc chữa” cổ phiếu yếu thanh khoản

Ông Nguyễn Việt Đức, Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, quy định về nhà tạo lập trường là một kênh “chữa” thanh khoản yếu, nhưng cả công ty chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết đều phải nghiên cứu kỹ mới… đạt hiệu quả. 

Từ 1/7, quy định về nhà tạo lập thị trường sẽ có hiệu lực thi hành tại sàn HNX. Quy định mới tạo thuận lợi/khó khăn gì cho công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ mới, theo ông?

Chúng tôi đánh giá rất cao quy chế về tạo lập thị trường do HNX ban hành. Xét về phía công ty chứng khoán, đây là một xu thế tích cực, vì công ty chứng khoán sẽ có thêm một hướng kinh doanh mới từ việc thực hiện nghiệp vụ tạo lập và thu phí dịch vụ từ các công ty có nhu cầu tạo lập thị trường.

Nhu cầu tạo thanh khoản cho cổ phiếu là nhu cầu chính đáng và cần thiết của các doanh nghiệp, nhưng từ trước tới nay, chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận để cổ phiếu thanh khoản thấp, không phản ánh đúng giá trị hợp lý, hoặc phải tìm tới các phương thức tạo lập chưa có hành lang pháp lý.

Với các công ty chứng khoán, tạo lập thị trường là một nghiệp vụ mới, đội ngũ nhân viên của công ty chứng khoán sẽ cần thời gian để thực hiện chức năng này, cùng với việc quản trị rủi ro liên quan tới nghiệp vụ. Việc tạo lập thị trường đồng thời sẽ cần đầu tư về phần mềm khá lớn, cũng như sự hỗ trợ các đối tác cung cấp giải pháp.

Ông Nguyễn Việt Đức 

Theo quy định, HNX mở khá rộng cửa cho các công ty chứng khoán tham gia nghiệp vụ này, ví dụ tỷ lệ vốn khả dụng chỉ cần đạt 220% so với mức 260% của các công ty chứng khoán muốn tham gia cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh, hay việc không yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu.

Tuy vậy, trên thực tế, với những rào cản về vốn và con người, cũng như những rủi ro nghiệp vụ, chỉ những công ty có quy mô lớn và sẵn sàng đầu tư vào nghiệp vụ mới, mới là những ứng viên đầu tiên cho vai trò nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với các mã niêm yết trên HOSE, theo ông, có cần thiết có mô hình nhà tạo lập thị trường?

Nhu cầu tạo lập thị trường là một nhu cầu chính đáng và cần thiết của các công ty niêm yết. Ngay cả trong thời kỳ thanh khoản bùng nổ như hiện nay, trong một ngày theo dõi ngẫu nhiên, vẫn có tới khoảng 50% mã cổ phiếu trên HOSE có thanh khoản dưới 100.000 cổ phiếu, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp có thanh khoản cổ phiếu dưới 10.000 cổ phiếu/ngày.

Theo thống kê, tỷ lệ turnover ratio của các doanh nghiệp trên sàn HOSE không cao hơn so với các doanh nghiệp trên sàn HNX. Điều này cho thấy, thanh khoản chỉ tập trung vào một số công ty lớn và thanh khoản cao hơn (tương đối) trên sàn HOSE chỉ là do các công ty trung bình có vốn hóa lớn hơn, còn tỷ lệ thanh khoản/vốn hóa vẫn không tốt hơn so với các cổ phiếu trên sàn HNX.

Nhiều công ty trong nhóm có thanh khoản thấp trên sẽ có nhu cầu thiết thực đối với việc tạo lập thị trường với cổ phiếu của mình.

Theo thông lệ quốc tế, các công ty muốn niêm yết trên các sàn chứng khoán tập trung thường phải đảm bảo một mức thanh khoản nhất định, điều mà có lẽ HOSE cũng sẽ cần hướng tới.

Ông bình luận như thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp đại chúng trong việc tìm nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu trên sàn? Nếu có thể, mong ông chỉ ra một vài câu chuyện cụ thể về tình trạng cổ phiếu không được định giá đúng, vì thiếu biện pháp hỗ trợ cung cầu?

Khi một cổ phiếu thiếu thanh khoản, nhà đầu tư sẽ e ngại khi tham gia cổ phiếu đó việc thiếu thanh khoản sẽ dẫn tới việc không dễ thực hiện việc mua/bán cổ phiếu theo mức giá kỳ vọng. Nếu có thực hiện được thì sẽ có những chi phí bổ sung do biên độ chào mua- chào bán (Bid-Ask) quá rộng và điều này cuối cùng sẽ làm suy giảm hiệu suất đầu tư.

Trên thế giới, những cổ phiếu bị đánh giá thiếu thanh khoản thường có mức chiết khấu khoảng 30% so với giá trị hợp lý đánh giá tương quan với mặt bằng định giá của thị trường.

Vì lý do thanh khoản nên thị trường chứng khoán Việt Nam mới xuất hiện nhiều câu chuyện có một không hai, như một công ty muối hay công ty sản xuất dụng cụ y tế trả cổ tức hàng năm còn cao hơn đến 5 thị giá.

Chẳng hạn, trường hợp của Muối Khánh Hòa (KSC) hay Meinfa (MEF), hay việc một công ty sau khi được thâu tóm mua lại thì giá cổ phiếu tăng tới hơn 30 lần, như trường hợp của Điện Trà Vinh sau khi được Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE mua lại.

Vậy ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp đại chúng, khi họ muốn cổ phiếu được định giá đúng trên sàn?

Chúng tôi có 3 khuyến nghị đối với các doanh nghiệp niêm yết khi quan tâm đến nghiệp vụ này. Thứ nhất, tạo lập thị trường mà không đi kèm với các hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), cung cấp thông tin về doanh nghiệp thì sẽ không hiệu quả.

Thứ hai, không nên chỉ chú trọng vào mức phí mà các công ty chứng khoán cung cấp để lựa chọn dịch vụ, bởi vì đây là một nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và các phần mềm xử lý, nghiệp vụ quản trị rủi ro cao cấp.

Thứ ba, nên chú trọng vào việc duy nhất là tạo lập thanh khoản và để giá chứng khoán cho thị trường quyết định, nếu không rất dễ gây phản tác dụng đối với nhà đầu tư.

Ở góc nhìn của một công ty chứng khoán, ông có thêm kiến nghị, sáng kiến gì trong quy định pháp lý, ưu đãi thuế, phí, để Việt Nam cũng sớm có hệ thống nhà tạo lập thị trường như các nước có thị trường chứng khoán phát triển?

Chúng tôi nhận thấy quy chế về tạo lập thị trường của HNX có độ mở khá cao, chúng tôi chờ đợi những hướng dẫn cụ thể hơn về các nghiệp vụ hoán đổi với danh mục ETF, vay chứng khoán cơ cấu…, vì đây là những nghiệp vụ lõi để hoạt động tạo lập thị trường đạt hiệu quả.

Chúng tôi cũng muốn được nắm rõ hơn về khả năng vay mượn cổ phiếu của nhà tạo lập thị trường với các cá nhân, tổ chức khác ngoài các quỹ ETF để phục vụ mục đích tạo lập.

Ngoài ra, việc đảm bảo một” bức tường lửa” giữa hoạt động tạo lập và hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán là một vấn đề sẽ cần thiết khi nghiệp vụ này được thực hiện.

Khi công ty chứng khoán thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường, theo ông, nghiệp vụ này sẽ ảnh hưởng đến tự doanh của công ty chứng khoán?

Theo quan điểm được thừa nhận rộng rãi thì nhà tạo lập thị trường sẽ thu lời từ biên mua bán và bị thiệt về yếu tố thời điểm (market timing), do họ luôn phải đưa ra các lệnh mua bán tại mọi thời điểm, ngay cả khi thị trường hay cổ phiếu bị định giá cao.

Công ty chứng khoản cũng trả chi phí giao dịch dù đã được giảm 50%. Do vậy, họ cần thu bù phí từ phía khách hàng để đảm bảo có lãi.

Tuy nhiên, những công ty hàng đầu có thể cân bằng mức lời/lỗ từ hai nghiệp vụ trên và có thể thu được lợi nhuận vượt trội so với các công ty khác cùng cung cấp dịch vụ.

Nhà tạo lập cũng sẽ có nhiều lợi thế về thông tin cổ phiếu và thông tin giao dịch, cung - cầu thực của cổ phiếu so với nhà đầu tư khác và đây là một lợi thế cho hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán tham gia tạo lập thị trường.

Tuy nhiên, nếu một công ty chứng khoán vừa tạo lập, vừa tự doanh một mã cổ phiếu thì nhà đầu tư khác sẽ lo ngại về tính bất đối xứng thông tin.

Cho nên, theo quan điểm của tôi, công ty chứng khoán nên cân nhắc lựa chọn giữa việc tạo lập và tham gia đầu tư vào một mã cổ phiếu, bởi lẽ mục đích của hai nghiệp vụ này hoàn toàn khác nhau.

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ