Nới room, cửa chỉ mở về chủ trương
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 mới đây, cổ đông TLG đã thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Việc thông qua chủ trương nới room, theo HĐQT Công ty, chủ yếu giúp TLG chuẩn bị sẵn về mặt pháp lý.
Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Công ty chia sẻ, đó là sự chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn. Cũng theo ông Thọ, số lượng thành viên HĐQT của TLG hiện nay mới có là 5 người, con số tối thiểu theo luật định. Những ghế trống còn lại sẽ được dành cho nhà đầu tư chiến lược trong tương lai.
“Việc mở room trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn thuần là tháo bỏ rào cản pháp lý, mà còn thể hiện toan tính của Ban lãnh đạo Công ty trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong những năm tiếp theo”, ông Thọ nhìn nhận và cho rằng, sẽ chính thức mở khi tìm được đối tác hợp lý.
Cổ phiếu TLG của CTCP Tập đoàn Thiên Long vốn được biết đến là cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, lợi nhuận bình quân năm tăng trên 10%. Kết quả đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu TLG, khi hiện đã vượt mức 100.000 đồng/CP. Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông cô đặc, TLG là cổ phiếu có thanh khoản kém.
Kinh doanh khả quan, nhưng thanh khoản quá thấp
Từ mức giá khoảng 20.000 đồng/CP vào năm 2014, sau hơn 3 năm, thị giá cổ phiếu TLG hiện đã tăng gấp 5 lần, lên mức 104.000 đồng/CP. Tương ứng với thị giá hiện tại, P/E của TLG đạt xấp xỉ 20 lần. Trong khi đó, giá trị sổ sách cuối năm 2016 của TLG là 24.123 đồng/CP.
Thực tế, trên thị trường không thiếu doanh nghiệp có P/E ở mức 20 lần, nhưng đa phần trong đó đều gắn với một câu chuyện riêng, một thế mạnh nhất định. Với TLG, câu chuyện là gì?
Thứ nhất, xét về tốc độ tăng trưởng, trong 3 năm gần nhất, TLG đều đạt mức tăng trưởng 2 con số về cả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2016, TLG đạt doanh thu thuần 2.162 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,8% và 27,8% so với thực hiện 2015.
Tổng tài sản tính đến hết 31/12/2016 đạt hơn 1.384 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2015.
Nhờ kinh doanh khả quan, TLG thường trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao, khoảng 20%/năm. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu TLG thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư.
So với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của TLG không quá cao, khoảng trên 10%, cụ thể là 11,1% vào năm 2016. Bên cạnh mảng bút viết, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận nhiều năm qua, TLG cho biết, sắp tới Công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm mỹ thuật, song song với việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Thái Lan và Indonesia. Hiện nay, sản phẩm của TLG đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Mặc dù là cổ phiếu tăng trưởng cao, song xét về thanh khoản, TLG lại trong tình trạng èo uột. Với hơn 38 triệu cổ phiếu lưu hành trên HOSE, nhưng năm 2016, bình quân chỉ 1.660 cổ phiếu TLG được giao dịch mỗi phiên. Từ đầu năm 2017 đến nay, thanh khoản tuy có cải thiện, nhưng không đáng kể, chỉ hơn 3.000 CP/phiên.
Sở dĩ thanh khoản cô đặc vì Công ty có 95% vốn do cổ đông nội bộ và cổ đông ngoại nắm giữ. Tính đến 31/12/2016, cổ đông lớn nhất của TLG là CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh với sở hữu 52,44% vốn, riêng Chủ tịch HĐQT công ty này, ông Cô Gia Thọ nắm giữ 6,45% vốn TLG. Vietnam Holding Limited hiện nắm 5,79% vốn.
Mới đây, TLG đã thay Tổng giám đốc.Theo đó, thay thế cho ông Võ Văn Thành Nghĩa ở vị trí CEO là ông Nguyễn Đình Tâm. Ông Tâm đã làm việc tại Thiên Long từ năm 1993, trước khi về Thiên Long, ông Tâm đã có một thời gian làm việc trong ngành giấy và nhựa.
Nhà đầu tư bên ngoài chờ đợi, việc thay đổi nhân sự cấp cao sẽ đi kèm các giải pháp nhằm cải thiện thanh khoản cổ phiếu, xứng tầm một DN tốt trên sàn. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện TLG cho biết, Công ty hiện tập trung vào các hoạt động cốt lõi, vấn đề thanh khoản hay giá cổ phiếu là do thị trường quyết định.
Tình trạng DN cô đặc cổ đông với thanh khoản thấp, giá “treo” trên sàn chỉ để làm đẹp vốn hóa, hơn là mang ý nghĩa tạo nên một công cụ đầu tư.