Theo biểu khung thuế suất mới thì các loại tài nguyên kể trên phải chịu mức thuế sàn là 3% và mức thuế trần lên tới 10%, 20%, 25%, thậm chí khoáng sản kim loại bị nâng mức trần lên tới 30%. Với "chiếc áo đủ rộng", BTC đã lên phương án tăng TTN ở mức bình quân 10% hoặc 25 - 30%. Theo ông Ninh, nếu áp mức thuế bình quân 10% thì năm 2009, ngân sách thu từ hoạt động khai thác tài nguyên vào khoảng 23.600 tỷ đồng và nếu ở mức 25 - 30% thì ngân sách thu được khoảng 24.300 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách vẫn còn phải "giật gấu vá vai" thì khoản tiền trên không hề nhỏ.
"Việt Nam là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, trong khi việc khai thác lại quá mức, không hiệu quả nên cần thiết phải nâng TTN", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường nói. Ông Cường cho biết, số lượng DN đăng ký xin khai thác tài nguyên, khoáng sản trong 2 năm trở lại đây tăng chóng mặt, do giá cả loại hàng hoá này trên thị trường thế giới tăng đột biến và trong tương lai, số lượng DN đăng ký khai thác khoáng sản sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, chỉ có tăng thuế mới hạn chế được việc khai thác quá mức cần thiết.
Mặc dù đồng tình với việc mở rộng khung thuế suất TTN, tuy nhiên, theo một quan chức Bộ Công thương thì khi xây dựng các mức thuế suất cụ thể, BTC cần phải cân nhắc, tính toán, tránh gây tác động tới hoạt động của DN.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng thuế suất TTN đối với hoạt động khai thác bauxit (một loại quặng nhôm) cao hơn so với các loại kim loại khoáng sản khác do lợi nhuận thu được từ khai thác loại kim loại này khá cao là không thuyết phục. Bởi trên thực tế, do lợi nhuận kinh tế không cao, nên không có nhiều DN tham gia. Hiện chỉ có vài DN tập trung khai thác bauxit nhưng khối lượng khai thác hàng năm không đáng kể. "Việt Nam có trữ lượng bauxit khá lớn, song việc khai thác rất hạn chế do giá thành khai thác rất cao, vì ngoài việc đầu tư khai thác, chế biến… còn phải đầu tư rất lớn để trả lại nguyên trạng môi trường sau khi khai thác, nên BTC phải cân nhắc để đưa ra mức thuế phù hợp mới khuyến khích được DN đầu tư khai thác", vị quan chức này đề xuất.
Có ý kiến cho rằng, vàng và đất hiếm là tài nguyên quý hiếm không tái tạo nên phải nâng mức TTN cao hơn so với tài nguyên khác, tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho rằng, BTC cần phải nghiên cứu kỹ khi đưa ra thuế suất TTN đối với vàng và đất hiếm, vì Việt Nam có trữ lượng đất hiếm rất lớn và trên thực tế trong 20 năm qua, các bộ, ngành, địa phương mời gọi DN trong và ngoài nước đầu tư khai thác, song không có DN nào hưởng ứng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận lưu ý BTC khi xây dựng các mức TTN cụ thể phải hướng đến tập trung phát triển bền vững và phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng, trữ lượng của từng loại khoáng sản, tài nguyên… Theo ông Thuận, việc mở rộng khung thuế suất TTN là hợp lý, nhưng khi áp mức thuế cụ thể phải cân nhắc, tính toán để làm sao tạo ra sự yên tâm cho DN đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất. Bộ trưởng BTC Vũ Văn Ninh cũng đồng tình với quan điểm này khi cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn TTN, BTC sẽ tạo điều kiện cho DN ổn định và mở rộng sản xuất, việc nâng thuế đối với nhóm tài nguyên nào đó (nếu có) sẽ được thực hiện dần từng bước theo lộ trình, chứ không nâng ngay một lúc, dễ gây sốc cho DN.