Thay đổi Luật nhìn từ quyền lợi đa số của người nộp thuế
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới ngành bia- rượu- nước giải khát. Đây là ngành đóng góp khoảng hơn 60.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2023, ước tính chiếm khoảng 3,4% tổng thu NSNN. Trong chuỗi liên kết ngành bia, rượu nước giải khát còn ảnh hưởng tới các ngành tiêu dùng, kinh doanh dịch vụ…
Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Việt Nam chia sẻ EY và cá nhân bà đã tham gia dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ những ngày đầu tiên, EY đã có phân tích kỹ với Bộ Tài chính về ba phương pháp đều có những ưu, nhược điểm, không có phương pháp nào tiến tiến cả quan trọng là có phù hợp với tình hình ngành rượu bia của Việt Nam hay không. Theo khuyến nghị của WHO, khi giá bán của mặt hàng bia cao cấp và bia phổ thông còn chênh lệch quá nhiều, việc áp dụng phương pháp tương đối là phù hợp, phương pháp này khi đưa ra đảm bảo mục đích của thay đổi luật vì quyền lợi của đa số người nộp thuế vì bia cao cấp không nhiều, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, mặt hàng bia phổ thông vẫn phổ biến tại Việt Nam hơn.
“Thuế suất, đưa ra thuế suất như thế nào phải cụ thể hơn làm thế nào để hài hòa lợi ích của Chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chúng tôi đồng tình với kiến nghị nên giãn cách thời gian tăng thuế ra, không tăng lập tức 70-80% như bản dự thảo hiện nay, nên nghĩ tới quyền lợi người tiêu dùng”, bà Hương Vũ bày tỏ.
Trả lời câu hỏi “nếu tăng thuế nhanh và mạnh thì rủi ro từ việc thu được lớn hơn hay lợi ích lớn hơn”, bà Hương Vũ cho rằng vì doanh số sụt giảm đáng kể của ngành bia Việt Nam thời gian qua khi gặp nhiều khó khăn, nên khi luật có hiệu lực nên giãn cách thời gian tăng thuế, nếu tăng nhanh sợ rằng một số nhà máy bia không đứng vững, có nguy cơ phá sản, nguồn thu ngân sách của Chính phủ sẽ giảm xuống.
“Tôi vẫn muốn nhấn mạnh làm thế nào nên hài hòa để nhà nước vẫn thu được thuế, doanh nghiệp phát triển”, Tổng giám đốc EY Việt Nam nêu quan điểm.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý cần xem xét kỹ lưỡng về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Chúng ta cần chọn thời điểm tăng, mức tăng, và độ giãn một cách hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Lê Tuấn Anh phân tích ở ba góc độ mức tăng thuế, yếu tố thay đổi hành vi và tính công bằng, cạnh tranh.
Về mục tiêu tăng thu, mức độ tăng thuế phải được điều chỉnh sao cho hợp lý, tránh gây ra tác động ngược lại, như việc doanh nghiệp phải phá sản.
“Bức tranh ngành đồ uống có cồn còn nhiều vấn đề, chúng tôi ủng hộ phương án lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu bia như Bộ Tài chính đề xuất, nhưng để đạt được mục tiêu tăng thu thì phương án đưa ra chưa phù hợp”, ông Lê Tuấn Anh đưa ra ý kiến đồng thời nhấn mạnh cần tìm ra mức thuế phù hợp để đảm bảo nguồn thu ngân sách mà không làm suy yếu doanh nghiệp.
Về yếu tố thay đổi hành vi, quá trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã được thực hiện, sản lượng tiêu thụ bia vẫn không giảm. Trong khi đó, chỉ cần có Nghị định 100, với các biện pháp kiểm soát hành chính, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nên việc điều chỉnh hành vi thông qua các biện pháp quản lý hành chính cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Về tính công bằng và kiểm soát buôn lậu, khi thuế tăng, tình trạng buôn lậu có thể sẽ gia tăng nên cần gia tăng kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5599, ngày 17/7, đề nghị Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đưa ra lộ trình tăng thuế phù hợp với sự phát triển của ngành.
Ông Lê Tuấn Anh cho rằng nên chọn thời điểm tăng, mức tăng, giãn phương án tăng năm đầu tiên ở mức 5% , sau đó hai năm – ba năm sau tăng tiếp 5%.
Tăng thuế mà nguồn thu giảm sẽ không đạt mục tiêu
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, vấn đề quan trọng hơn tăng thuế không phải cấm tiêu dùng mà thay đổi hành vi tiêu dùng, nếu không tiêu dùng thì không có thúc đẩy sản xuất phát triển, dịch vụ kinh doanh giảm xuống, trong khi đây là nhóm đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế, nên hệ luỵ tăng thuế TTĐB tác động thế nào đến các ngành này cũng là yếu tố cần đánh giá.
“Tăng thuế, tăng giá sản phẩm, giảm tiêu dùng kéo theo dịch vụ kinh doanh ăn uống ảnh hưởng giảm, cần đánh giá kỹ. Bởi nếu tăng thuế, mà các khoản thu về giảm do doanh nghiệp khó khăn đóng thuế không cao thì không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, quan ngại có tình trạng người dùng chuyển sang dùng hàng lậu, hàng phi chính thức khi sản phẩm chính thức tăng giá. Do đó, cần đánh giá các yếu tố định tính và định lượng để có cái nhìn toàn diện khi hoạch định chính sách. Song song với chính sách thuế, các biện pháp khác rất quan trọng để đạt mục tiêu”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới.