Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang chuẩn bị ứng phó với tác động của mức thuế 25% theo kế hoạch dự kiến có hiệu lực vào ngày 12/3 của Tổng thống Trump. Các mức thuế này nhằm mục đích tăng cường bảo hộ cho các nhà sản xuất Mỹ, nhưng cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng về thép toàn cầu do tình trạng xuất khẩu tràn lan của Trung Quốc. Tại châu Á, có lo ngại rằng thép sẽ được bổ sung vào thị trường khu vực đã bão hòa, nếu không được xuất sang Mỹ.
"Chúng ta có thể thấy nhiều thép hơn từ một vài quốc gia được bán cho Việt Nam vì mục tiêu mới sẽ ngăn cản họ xuất khẩu sang Mỹ", Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg. Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ và xuất khẩu thép lớn trong những năm gần đây.
Các nhà sản xuất thép từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ Latinh đang phải đối mặt với tình trạng thép giá rẻ của Trung Quốc, với lượng xuất khẩu năm 2024 của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 9 năm qua là trên 110 triệu tấn. Sự gia tăng đột biến đó đã gây ra một loạt khiếu nại thương mại, gần đây nhất là từ Hàn Quốc.
Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang "thay thế sản xuất ở các quốc gia khác và buộc họ phải xuất khẩu khối lượng thép lớn hơn" sang Mỹ. Liên minh châu Âu đang sửa đổi các biện pháp bảo hộ để ứng phó với dòng chảy thép ngày càng tăng. Trong khi đó, tại châu Á, Ấn Độ đang cân nhắc các biện pháp bảo hộ, Việt Nam đang điều tra thép Trung Quốc và Hàn Quốc có thể điều tra thêm các sản phẩm thép của Trung Quốc.
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, hiện đang được miễn trừ khỏi các mức thuế quan hiện hành của Mỹ được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Trong nhiệm kỳ này, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia đó có đàm phán được các loại trừ khỏi bất kỳ đợt thuế quan mới nào hay không.
Nếu không, "sẽ có sự chuyển hướng hàng tồn kho của nhà xuất khẩu sang các quốc gia nhập khẩu khác với giá cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng", Sehul Bhatt, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu Crisil Intelligence của Ấn Độ cho biết.
Thuế quan kim loại mới của Tổng thống Trump cũng nhắm vào nhôm. Ở châu Á - Thái Bình Dương, khối lượng dòng chảy của nhôm sẽ bị ảnh hưởng, mặc dù ở mức hạn chế. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, tổng cộng khoảng 3,75 triệu tấn nhôm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc được nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái. Tổng khối lượng chịu thay đổi thuế quan trên toàn cầu là hơn 20 triệu tấn.
Ngoài ra, các sản phẩm thép chuyên biệt sẽ tiếp tục vào Mỹ ngay cả trong trường hợp áp dụng thuế quan toàn diện.
Theo các nhà phân tích Lawrence Zhang và Tiago Vespoli của Wood Mackenzie, Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp một số loại thép chất lượng cao và chuyên dụng được sử dụng trong cơ sở hạ tầng năng lượng và ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ; và cũng có khả năng là các nhà sản xuất thép sẽ phải hạn chế sản lượng thay vì tìm nơi thay thế ở những thị trường cung vượt cầu.
"Phần còn lại của thế giới khó có thể hấp thụ được khối lượng đó vì nhu cầu thép toàn cầu khá yếu, điều đó có nghĩa là phần còn lại của thế giới - bao gồm cả Trung Quốc - sẽ phải cắt giảm sản lượng", Xu Xiangchun, nhà phân tích của Mysteel Global cho biết.