Theo quy định hiện hành, đối với hoạt động góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với DN trong nước, sau khi đã nộp thuế TNDN thì phần thu nhập được chia từ các hoạt động trên thuộc diện không chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi lại có quy định, thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ hàng hoá và thu nhập khác. Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, từ quyền sở hữu sử dụng tài sản, thu nhập về lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ… Như vậy, lần đầu tiên chuyển nhượng vốn được đưa vào danh mục chịu thuế TNDN.
Nhiều DN tham gia hội thảo cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn những giao dịch nào được gọi là chuyển nhượng vốn, nhằm tránh đánh thuế 2 lần. Và đặc biệt, việc đánh thuế từ phần vốn chuyển nhượng (là lợi nhuận sau thuế của DN) có phải đánh thuế trùng lên thuế?
Ông Vũ Đinh Thuyên, Giám đốc Đầu tư Tài chính, CTCP Đầu tư doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính ngày càng phát triển, nhiều DN lớn mạnh chuyển đổi hoạt động theo mô hình tập đoàn công ty mẹ - con, tình hình mua bán, sáp nhập DN diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cơ cấu DN, ngành nghề. Vấn đề thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng CP thực sự quan trọng đối với các DN, đặc biệt là những DN hoạt động theo mô hình tập đoàn. Theo ông Thuyên, cần làm rõ các loại thu nhập được chia không phải chịu thuế TNDN. Hiện nay, hình thức chia thu nhập từ hoạt động góp vốn CP, liên doanh, liên kết bằng trả cổ tức rất phổ biến. Một số DN chia cổ tức bằng tiền mặt, một số do cần vốn để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh nên không trả bằng tiền mặt mà chia cổ tức bằng CP, thưởng CP từ nguồn lợi nhuận để lại. Nguồn chia này cũng lấy từ lợi nhuận sau thuế. Vì vậy, khi DN chuyển nhượng hoặc bán số CP được chia, được thưởng này thì không phải nộp thuế TNDN (vì bản chất là chia cổ tức). Vì thế, rất cần quy định rõ để tránh các cách hiểu khác nhau dẫn đến cách làm khác nhau.
Cũng chung quan điểm trên, đại diện một DN cho biết, cần làm rõ bản chất thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng CP bao hàm một phần lợi nhuận chưa phân phối (đã chịu thuế TNDN). Thông thường khi kinh doanh có lãi, DN chỉ chia cổ tức một phần nhỏ, phần lớn lợi nhuận sau thuế để lại phát triển kinh doanh và dự phòng. Trường hợp chuyển nhượng CP, trong giá bán đã bao gồm giá vốn bỏ ra ban đầu, phần lợi nhuận còn lại chưa chia (phần này đã nộp thuế TNDN) và chênh lệch giá do NĐT kỳ vọng vào tương lai của DN. Về mặt kỹ thuật, DN không có đủ nguồn số liệu để chứng minh bao nhiêu là lợi nhuận sau thuế chưa nhận. Để đơn giản, nên áp dụng thuế suất chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng CP bằng 50% thuế suất phổ thông (25%). Hoặc áp dụng thuế suất phổ thông (25%), song thu nhập chịu thuế tính bằng 50% thu nhập chuyển nhượng theo cách tính hiện hành.
Ông Trần Đình Triển, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi hai luật thuế GTGT và TNDN cần dựa trên nguyên tắc: đảm bảo thu ngân sách nhưng vẫn ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Do đó cần cụ thể, tránh những cách hiểu khác nhau gây tranh cãi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Ông Triển nêu dẫn chứng, tại Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi (điểm 7 điều 4) có nêu danh mục các đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT là “dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phái sinh”. Nếu chỉ quy định như vậy thì quá chung chung, vì kinh doanh chứng khoán bao gồm nhiều lĩnh vực: lưu ký, môi giới, doanh nghiệp kinh doanh CK hay cá nhân kinh doanh CK? “Tôi nghĩ cần quy định cụ thể hơn bởi nếu không, khi thực hiện dễ gây phản ứng. Vẫn biết dưới luật sẽ có nghị định và sau đó sẽ là thông tư hướng dẫn, nhưng ngay cả thông tư của Bộ Tài chính hay văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế đôi khi cũng tạo ra những cách hiểu khác nhau nên Luật cần cụ thể hơn và mang tính chuẩn mực, để mỗi khi “hữu sự” thì có thể soi vào đó”, ông Triển nói.