Ngày 20/5, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản đề nghị xác định thuế nhập khẩu đường mía từ Lào về Việt Nam của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai (Xuất nhập khẩu HAGL) - đây là công ty thực hiện việc nhập khẩu đường mía do HAGL sản xuất tại Lào về Việt Nam.
Tại công văn này, Tổng cục Hải quan cho biết, trong khi chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, để tạo điều kiện thuận lợi cho HAGL, cơ quan này đã dự thảo văn bản trả lời.
Dự thảo do Tổng cục Hải quan soạn sẵn cho hay, Bộ Tài chính đã giao Cục Hải quan tỉnh Gia Lai - Kon Tum kiểm tra cụ thể số hàng đường mía do Xuất nhập khẩu HAGL nhập về Việt Nam.
Kết quả kiểm tra nếu số hàng đường mía do công ty nhập khẩu về Việt Nam đúng là được sản xuất theo dự án mà tập đoàn HAGL đầu tư ra nước ngoài tại tỉnh Attapeu (Lào) và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu S do cơ quan có thẩm quyền phía Lào cấp thì được áp thuế suất 0%.
Trước đó, theo trình bày của Xuất nhập khẩu HAGL với các cơ quan chức năng thì công ty này gặp khó khăn khi xác định thuế nhập khẩu đường mía từ Lào về Việt Nam.
Cụ thể, Xuất nhập khẩu HAGL cho biết, theo hướng dẫn của Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, để được hưởng thuế nhập khẩu 2,5%, công ty phải được cấp hạn ngạch nhập khẩu, còn nếu không có hạn ngạch thì thuế suất lên tới 85%.
"Tuy nhiên, việc nhập đường mía của công ty thực hiện theo Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt, do đó công ty không cần phải được cấp hạn ngạch nhưng vẫn được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu là 0%", phía Xuất nhập khẩu HAGL khẳng định.
Công ty này lý giải rằng, vào ngày 2/1/2016, Hiệp định thương mại biên giới đã có hiệu lực, tại khoản 2, khoản 3, điều 7 thì mặt hàng đường mía "không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng bị hạn chế hạn ngạch nhập khẩu khi nhập khẩu về Việt Nam".
Tuy nhiên, do chưa có Thông tư hướng dẫn của liên bộ về thủ tục thực hiện thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường mía theo Hiệp định biên giới nên Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum chưa có cơ sở áp dụng mức thuế suất 0% đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu từ Attapeu, Lào. Theo đó, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum vẫn yêu cầu công ty phải nộp 85% thì mới được thông quan.
Trong công văn gửi đến các cơ quan nhà nước, Xuất nhập khẩu HAGL cũng giãi bày: "Hiện nay, tập đoàn HAGL đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền hoạt động đầu tư và kinh doanh". Vì vậy, trong khi chờ văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp này đề nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho phép công ty được thông quan mặt hàng với thuế xuất nhập khẩu 0% (hoặc tạm nộp thuế nhập khẩu 2,5%).
Đồng thời cam kết rằng "sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức, nếu mặt hàng này thuộc đối tượng nộp thuế thì công ty sẽ kê khai và nộp thuế đầy đủ".
Được biết, trước đó UBND tỉnh Kon Tum và Bộ Công Thương đều đã thống nhất tạm thời cho phép Xuất nhập khẩu HAGL hoạt động thương mại biên giới qua các cửa khẩu tỉnh Kon Tum theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào cho đến khi các bộ ngành Trung ương có hướng dẫn thủ tục.