Mang tiếng xấu sau vụ HAG, trái phiếu vẫn được ưa thích

(ĐTCK) Câu chuyện gần 6.700 tỷ đồng khoản vay qua phát hành trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai vi phạm các quy định tại hợp đồng về tài sản đảm bảo đang nóng hổi trên thị trường tài chính, song không vì thế mà các đợt phát hành trái phiếu của một số DN mới đây kém sức hút.
Mang tiếng xấu sau vụ HAG, trái phiếu vẫn được ưa thích

Trái phiếu DN vẫn hút khách

HĐQT CTCP Đường Biên Hòa (BHS) vừa thông qua Nghị quyết về việc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, trong năm 2016, BHS sẽ phát hành 500 trái phiếu không chuyển đổi có tài sản đảm bảo, với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho tối đa là 100 nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài). Được biết, số trái phiếu này có kỳ hạn tối đa là 5 năm. BHS chưa tiết lộ mức lãi suất cụ thể, nhưng cho biết sẽ thanh toán tiền lãi cho trái chủ 6 tháng 1 lần. Theo một nguồn tin, tổng số trái phiếu phát hành đợt này của BHS sẽ do một nhà băng trong nước đầu tư.

Mới đây, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) đã ký kết hợp đồng phát hành trái phiếu DN với TPBank và VIB. Trái phiếu do TTCS phát hành lần này có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng, đáo hạn vào năm 2021, có tài sản bảo đảm và không chuyển đổi. Đơn vị bảo lãnh thanh toán là CTCP Đầu tư Thành Thành Công (Tập đoàn TTC), đơn vị tư vấn phát hành là MBS và đơn vị tổ chức quản lý tài khoản và tài sản đảm bảo, đại lý lưu ký và thanh toán là TPBank. Toàn bộ đợt trái phiếu do TTCS phát hành được TPBank và VIB đầu tư với giá trị lần lượt là 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc TTCS cho biết, trên cơ sở huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu lần đầu tiên cho TPBank và VIB, TTCS sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án huy động các nguồn vốn có quy mô lớn hơn trong các đợt phát hành sắp tới, với các kế hoạch, dự án đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo hiệu quả hoạt động, lợi ích các bên và gia tăng sức thuyết phục với các nhà đầu tư.

Trên thực tế, không chỉ TTCS hay BHS, mà trước đó, không ít DN đã huy động vốn thành công qua phát hành trái phiếu. Chẳng hạn như đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 800 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn FLC cho hai cổ đông hiện hữu…

Yếu tố tiên quyết là đối tác

Khẳng định tầm quan trọng của kênh trái phiếu trong huy động vốn cho DN, ông Ngữ cho rằng, đây là kênh đầu tư hấp dẫn, hiệu quả để các DN tìm kiếm các nhà đầu tư, trái chủ có năng lực tài chính và hoạt động minh bạch đồng hành cùng DN, góp phần giảm bớt gánh nặng cho phương thức tín dụng truyền thống tại Việt Nam. Phương thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu giúp DN và trái chủ linh hoạt hơn trong mục đích sử dụng vốn, tạo điều điều kiện DN nắm bắt những cơ hội đầu tư phát triển, đặc biệt đối với những DN có tiềm lực, định hướng phát triển và mục tiêu chiến lược khả thi.

Với trường hợp TTCS, ông Ngữ cho biết, Công ty đang có nhu cầu vốn lớn nhằm kịp thời phát triển tập trung vùng nguyên liệu tự chủ, song việc vốn tín dụng có thể gặp phải những khó khăn nhất định bởi một số quy định hiện hành. Trong khi đó, phát hành trái phiếu nếu thực thi được sẽ giúp DN chủ động nguồn vốn lớn và dài hạn, góp phần cân đối cấu trúc vốn và khả năng tự chủ tài chính.

“Với đặc tính ưu việt hơn so với phương thức tín dụng truyền thống, tôi cho rằng, thị trường trái phiếu DN sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và sẽ thực sự trở thành kênh huy động vốn linh hoạt, minh bạch và hiệu quả”, ông Ngữ nói.

Theo ông Ngữ, yếu tố tiên quyết trong việc thu hút vốn thông qua phát hành trái phiếu chính là sự tương đồng giữa khả năng, tiềm lực của tổ chức phát hành với các đối tác có nhu cầu đầu tư của trái chủ, trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, hỗ trợ và hợp tác cùng phát triển. Điều này đến từ uy tín và năng lực của Công ty trên thương trường, nhất là trong các quan hệ hợp tác với các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thông qua phát hành trái phiếu, DN có thể sử dụng nguồn vốn linh hoạt và dài hạn với kỳ hạn có thể lên tới 5 năm, 10 năm hoặc dài hơn. Khoản tiền gốc của trái phiếu thường được thanh toán một lần vào cuối kỳ nên DN không chịu áp lực trả nợ theo định kỳ như vay vốn ngân hàng. Lãi suất trái phiếu được hình thành trên cơ sở quan hệ cung - cầu giữa DN và các nhà đầu tư trên thị trường nên nhìn chung sẽ được xác định ở mức hợp lý. Hơn nữa, tiền trả lãi trái phiếu được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh nên DN huy động vốn bằng trái phiếu sẽ có lợi hơn so với phát hành cổ phiếu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục