Thúc vốn chảy vào chứng khoán: Mấu chốt là minh bạch và niềm tin

(ĐTCK) TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019 có diễn biến tích cực về chỉ số, nhưng tình trạng thanh khoản giảm khá mạnh cho thấy sức cầu đang có phần hụt hẫng. Để TTCK thực hiện được sứ mệnh là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực của nền kinh tế, đòi hỏi sự phát triển phải cân bằng hai vế, cung và cầu. 
Để khơi thông dòng vốn chảy mạnh vào TTCK, cần hình thành cơ chế khuyến khích, ưu đãi các bên tham gia TTCK. Để khơi thông dòng vốn chảy mạnh vào TTCK, cần hình thành cơ chế khuyến khích, ưu đãi các bên tham gia TTCK.

Cung ứng vốn từ TTCK ra nền kinh tế còn thấp

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, kết thúc năm 2018, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 134%. Dù đã có sự tăng trưởng khá nhanh những năm gần đây, nhưng quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK) mới tương đương 109% GDP…

Sự phụ thuộc của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp vào vốn tín dụng ngân hàng còn thể hiện qua nhiều chỉ tiêu khác.

Cụ thể, cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, kết thúc năm 2018, trong tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước đạt 203% GDP, thì tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm tới 95,5% (giảm nhẹ so với năm 2017 là 96,1%), các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 3,4%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 1,1%.

Tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế trong năm qua so với năm 2017 có tăng tính theo giá trị phát hành thực tế, nhưng mới chiếm 14% tổng cung ứng vốn (năm 2017 là 10,2%). Nếu tính theo giá trị vốn hóa, thì tỷ trọng cung ứng vốn danh nghĩa từ thị trường vốn năm 2018 chiếm khoảng 36,9% tổng cung ứng vốn (năm 2017 là 36,7%)…

Với hiện trạng trên, ý kiến từ chuyên gia nhìn nhận, sau gần 20 năm vận hành, TTCK tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng cấu trúc thị trường còn chưa đa dạng, tính thanh khoản chưa đủ lớn, quy mô TTCK vẫn còn nhỏ so với tiềm năng phát triển, cũng như so với kênh tín dụng ngân hàng...

Mổ xẻ nguyên nhân khiến TTCK dù lớn về quy mô nhưng chưa thực hiện tốt sứ mệnh là kênh dẫn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, lý do quan trọng nhất là TTCK chưa xác lập được niềm tin đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, mức độ ưu đãi của vốn đầu tư vào TTCK còn bị phân biệt đối xử so với các kênh đầu tư khác, nhất là gửi tiết kiệm hiện nay.

Là người gắn bó với TTCK từ bước khởi đầu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI từng chia sẻ, hoạt động giao dịch trên TTCK chưa tạo được niềm tin là kênh giữ tiền cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, với tư cách là bên huy động vốn qua TTCK, doanh nghiệp lại chưa đồng hành với nhà đầu tư, chưa coi nhà đầu tư là chủ thực sự. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm thu hút tiền của nhà đầu tư, rồi sử dụng tiền huy động được theo cách của doanh nghiệp…

Cho rằng 10 năm phát triển TTCK gần đây đã có những thay đổi lớn, quy mô hàng hóa tăng trưởng vượt bậc, nhưng theo ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt, quy mô nhà đầu tư chứng khoán còn nhỏ, khiến cung cầu đầu tư thường xuyên mất cân đối. Sự mất cân đối này có nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán văn hóa thích gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, thiếu vắng các quỹ đầu tư chuyên nghiệp...

Bởi vậy, cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để khơi thông dòng vốn chảy mạnh hơn vào TTCK Việt Nam. Bên cạnh vốn đầu tư nước ngoài, nguồn lực tài chính trong dân còn rất lớn, trong đó riêng tiền tiết kiệm đạt con số khoảng 200 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại, cho thấy, nếu TTCK có nhiều sản phẩm, xây dựng được niềm tin và thuận lợi trong đầu tư thì chắc chắn sức cầu sẽ được cải thiện. Tình trạng thanh khoản thấp và biến động bất thường của chỉ số chứng khoán sẽ giảm đi. 

Hút dòng vốn vào chứng khoán: Cần sự minh bạch và niềm tin

Để dòng tiền nhàn rỗi trong dân chảy mạnh qua TTCK, nhiều mục tiêu và giải pháp đã được nêu ra tại Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, ngoài các chỉ tiêu mang tính định lượng như phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025..., điểm đáng chú ý tại Đề án là đưa ra hệ thống giải pháp nhằm khắc phục một trong những nút thắt khiến TTCK khó lớn, đó là thiếu sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan bằng giải pháp thành lập Tổ điều hành TTCK.

Để cơ chế này vận hành hiệu quả, ngoài giao Bộ Tài chính chủ trì, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia...

Cho rằng chức năng quan trọng nhất của TTCK là huy động vốn cho doanh nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Duy Hưng, câu hỏi đặt ra là phải làm sao thu hút nhà đầu tư quan tâm? Mấu chốt nằm ở hai chữ: Minh bạch (với thị trường) và niềm tin (đối với nhà đầu tư).

Nếu coi TTCK là một kênh song song với ngân hàng trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thì phải phải hình thành cơ chế tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, nhưng hiện tại thì chưa đạt được, vì trên thực tế các ngân hàng đang được ưu ái hơn. Khi ngân hàng thương mại gặp sự cố, thì Ngân hàng Nhà nước đứng ra đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân. Thế nhưng, nhiều quy định trên TTCK đang khắt khe hơn, bị trói buộc nhiều hơn…

Cùng góc nhìn trên, nhà đầu tư Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội) cho rằng: "Trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, cần định hình những cơ chế đột phá để thay đổi cái nhìn đang tồn tại, đó là vẫn còn ý kiến ví TTCK như sòng bài, thay vì là một kênh đầu tư sinh lời, để người dân nắm giữ tài sản dài hạn và thừa kế cho con cháu…".

Để khơi thông dòng vốn chảy mạnh qua TTCK, trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán, cũng như các quy định của pháp luật về thuế đang được thúc đẩy, cần hình thành cơ chế khuyến khích, ưu đãi các bên tham gia TTCK.

Theo đó, cần cải cách chính sách thuế theo các giải pháp mà nhiều quốc gia đang triển khai, nhằm tạo điều kiện bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống tín dụng và thị trường vốn, bảo đảm sự bình đẳng giữa thu nhập của nhà đầu tư trên thị trường vốn và người gửi tiết kiệm. Đồng thời, cần hình thành cơ chế thuế nhằm khuyến khích sự ra đời các loại hình quỹ đầu tư, góp phần xã hội hóa nguồn lực đầu tư xã hội như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đầu tư năng lượng, quỹ đầu tư mạo hiểm…

Đi liền với tập trung phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức, cần tiếp tục thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể, trong ngắn hạn, cần quyết liệt cải cách hệ thống thể chế và giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các điều kiện, đặc biệt là các tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm sớm thành công trong nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bên cạnh đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm trên thị trường phái sinh, để thu hút các dòng tiền mới tham gia thị trường, cần thúc đẩy mảng thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển là trái phiếu doanh nghiệp. Cần nghiên cứu và cho phép tổ chức thị trường các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dành cho nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, tạo một kênh dẫn vốn mới mạnh mẽ bên cạnh cổ phiếu.

Với 135 điều, trong đó sửa đổi tới 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và chỉ giữ nguyên 8 điều so với Luật Chứng khoán hiện hành, trong đó có nhiều quy định mới về nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện minh bạch cho thị trường..., dự án Luật Chứng khoán sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến trong tháng 5 tới và theo kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối năm nay, đang được kỳ vọng là thế hệ luật thứ hai mở ra dư địa mới cho TTCK phát triển, để đảm đương ngày càng rõ nét là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục