Tám tháng thực hiện và kết quả đạt được
HSBC vừa công bố báo cáo “Thực thi RCEP: Nhìn lại quá trình thực thi trong bối cảnh thách thức thương mại” cho biết, kể từ khi có hiệu lực vào đầu năm, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng lợi thế của hiệp định mới.
Chẳng hạn, theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), có 43.600 giấy chứng nhận xuất xứ RCEP được cấp từ tháng 1 đến tháng 5/2022, trị giá đến 2,08 tỷ USD. Việc áp dụng các ưu đãi thương mại RCEP sẽ gia tăng nếu thỏa thuận tiếp tục được thực thi và tự do hóa thương mại được thực hiện nhiều hơn nữa.
Ngoài việc tận dụng các ưu đãi thuế quan, còn có những lợi ích khác. Đối với Nhật Bản, việc đăng ký tham gia RCEP mang ý nghĩa đây là lần đầu tiên nước này tham gia một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Nhờ RCEP, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Guangxi Auto đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận với công ty khởi nghiệp xe điện ASF của Nhật Bản, sản xuất một dòng xe điện thương mại nhỏ ở Trung Quốc để bán tại Nhật Bản.
Một tuyến đường biển cao tốc giữa Thanh Đảo của Trung Quốc và Osaka của Nhật Bản cũng được khánh thành vào tháng 6/2022, sau khi Thanh Đảo và Dongchen Line Co ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược khi RCEP có hiệu lực. Trên tuyến đường này, tàu thuyền có thể lên hàng trực tiếp với thiết bị chất hàng (ví dụ: xe tải) và hàng hóa, với hải trình cắt giảm từ hai đến ba ngày xuống chỉ còn 36 giờ (Global Times, 26/6/2022).
Thực thi và mở rộng
HSBC cho biết, RCEP gần đây đã được Indonesia phê duyệt và gần được Philippines phê duyệt, đây là hai trong ba nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Myanmar đã phê duyệt thỏa thuận, nhưng New Zealand và Philippines cho biết, họ sẽ không công nhận phê duyệt này do tình hình chính trị tại Myanmar.
Các nền kinh tế khác sẽ có thể tham gia từ ngày 1/7/2023. Cụ thể, Hồng Kông (Trung Quốc) đã nộp đơn gia nhập, vì khoảng 70% thương mại của Hồng Kông đang diễn ra với các thành viên RCEP. Thành công tham gia vào hiệp định này là lẽ đương nhiên với nền kinh tế này, do độ mở đối với thương mại quốc tế và trên thực tế là Hồng Kông đã có các thỏa thuận thương mại với 13 thành viên RCEP (10 nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc đại lục, Australia và New Zealand).
Ủy ban Thương mại và Thuế quan Bangladesh đã tiến hành phân tích sơ bộ về những lợi ích có thể đạt được từ việc tham gia vào hiệp định và phí tổn nếu đứng ngoài hiệp định này. Sri Lanka có thể là một thành viên tiềm năng khác trong tương lai.
Vì sao các nền kinh tế háo hức tham gia RCEP?
Theo HSBC, lợi ích trực tiếp lớn nhất mà các nền kinh tế tham gia vào RCEP có được chính là các ưu đãi thuế quan. Theo Hiệp định, thuế quan áp đặt trên hơn 90% các loại hàng hóa sẽ được loại bỏ, dù điều này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 20 năm (các lĩnh vực nhạy cảm và chiến lược sẽ được miễn trừ). Loại bỏ thuế quan trên diện rộng sẽ khuyến khích đầu tư, các điều khoản về sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử trong khối.
Các dự đoán cho thấy một số thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ đạt được bước nhảy vọt lớn nhất về mặt xuất khẩu vào năm 2030 (ADB, 2021). Điều này chủ yếu là vì đây là lần đầu tiên Nhật tham gia vào một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Hơn nữa, RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có cả Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc tham gia. Đây là ba trong số những nền kinh tế kỹ thuật tiên tiến ở Đông Á.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thành viên RCEP sẽ đóng góp đến 30% sản lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, ADB dự báo rằng, thị phần xuất khẩu toàn cầu tại Đông Á sẽ giảm trong thập niên tiếp theo, khi các công ty chuyển hướng các cơ sở sản xuất của mình sang những thị trường đang phát triển. Mặc dù vậy, bằng cách kết nối các nhà sản xuất chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng khu vực, điều này cuối cùng sẽ củng cố cơ sở sản xuất còn lại của họ, cho phép tận dụng nguồn cung ứng các vật liệu có giá cả cạnh tranh hơn.
Tác động đối với xuất khẩu của các thành viên ASEAN trước và sau khi ký kết RCEP có thể không nổi bật như các thị trường phát triển. Các hiệp định thương mại tự do của ASEAN đã có từ trước với những thành viên RCEP, cũng đã xóa bỏ thuế quan áp đặt trên 86% đến 90% hàng hóa.
Tác động trong dài hạn của RECP
HSBC lưu ý, RCEP không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, mà còn có những ảnh hưởng tích cực gián tiếp khác đến thu nhập của một quốc gia, nhờ vào chiều sâu của hiệp định. Nhiều thành viên có những hạn chế nghiêm ngặt đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Chỉ số Hạn chế Quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài của OECD năm 2020 (the OECD Foreign Direct Investment Regulatory Restrictiveness Index), Indonesia đứng đầu danh sách, trong khi Trung Quốc và New Zealand lần lượt chiếm vị trí thứ ba và thứ tư.
Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong khối RCEP và cũng có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ các công ty có trụ sở bên ngoài khu vực muốn tận dụng hiệp định này. Theo IMF, về mặt nguyên tắc, tự do hóa FDI, dù được thúc đẩy bởi RCEP hay là do đơn phương, đều có thể giúp thu nhập thực tế từ thương mại tăng hơn 15% đối với Philippines, Malaysia và Thái Lan.
RCEP vượt xa các hiệp định thương mại tự do ASEAN hiện nay về mặt cơ hội đầu tư. Trước khi có hiệp định này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã là những nhà đầu tư hàng đầu tại một số nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, mở rộng các thị trường ASEAN hơn nữa sẽ thu hút thêm đầu tư vào công nghệ sản xuất mới, giúp thúc đẩy năng suất lao động hơn. Theo Petri và Plummer, xét về mọi mặt, tự do hóa FDI có thể giúp thu nhập thực tế của tất cả các thành viên RCEP tăng đến 0,53%.
Gia tăng thương mại và dòng vốn FDI do vậy cũng sẽ nâng cao năng suất hơn. Chi phí nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sẽ giảm, nhờ thế sẽ đẩy mạnh sản xuất địa phương. Do đó, HSBC mong đợi sẽ có sự thay đổi trong tính cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau.
Một cách tự nhiên, nguồn lực và vốn sẽ được dùng cho ngành có tính cạnh tranh cao nhất. Thêm nữa, việc dỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy sự phân bổ nguồn lực và công nghệ tốt hơn. Kết quả là điều này sẽ tạo nên một “cú hích” năng suất ở nhiều lĩnh vực, trong khi đẩy mạnh sự chuyển dịch nguồn lực khỏi những ngành không còn tính cạnh tranh nữa.
Tuy nhiên HSBC cho biết, lợi ích không được phân chia đồng đều giữa các thành viên và lĩnh vực. Theo Ngân hàng Thế giới, vài thị trường, như Việt Nam và Malaysia, sẽ có khả năng đạt được mức tăng thu nhập thực tế lên đến gần 5% vào năm 2035 nhờ cú hích năng suất. Những quốc gia phát triển như Nhật Bản sẽ có mức tăng năng suất thấp hơn, nhưng vẫn được hưởng lợi nhờ tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng và hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các công ty địa phương.
Báo cáo của HSBC nhấn mạnh: “RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực. Thị phần thương mại của các thành viên RCEP đã tăng trong nhiều năm qua. Chúng tôi kỳ vọng sự gia nhập của Hồng Kông sẽ thúc đẩy hơn nữa thu nhập thực tế tại các nền kinh tế châu Á. Tổng hợp GDP thực tế của các nền kinh tế đã tham gia hiệp định, dự kiến vào năm 2030, không tính đến cú hích năng suất tiềm năng do RCEP tạo nên, chúng tôi kỳ vọng tỷ trọng GDP toàn cầu của các thị trường thành viên RCEP sẽ đạt 32,9%, tăng từ mức 31,7% của năm 2021”.