Nâng hạng cho thị trường
Một nhiệm vụ lớn mà UBCK dồn sức thực hiện trong 6 tháng cuối năm nay là thúc đẩy các giải pháp nhằm nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng phân loại của MSCI - một tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới. Qua đó, góp phần thúc đẩy phía nước ngoài tăng đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, một tổ công tác gồm đại diện UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (VSD) sẽ được xúc tiến thành lập để làm việc với MSCI, nhằm làm rõ các tiêu chí và nắm bắt phương pháp luận của việc nâng hạng TTCK mà tổ chức này đang thực hiện. Trên cơ sở đó, UBCK sẽ phối hợp triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng cho TTCK Việt Nam. Qua các cuộc tìm hiểu bước đầu cho thấy, trong khi các yêu cầu về thanh khoản, quy mô của các DN niêm yết..., hiện đã đáp ứng theo yêu cầu của MSCI, thì điểm nghẽn lớn nhất còn lại là cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về TTCK Việt Nam cho NĐT ngoại, bao gồm các thông tin về quy định pháp lý, hoạt động của DN, hướng dẫn đầu tư trên TTCK Việt Nam... Để khắc phục tình trạng này, một loạt công việc đã và đang được UBCK thúc đẩy triển khai.
Trước mắt, sẽ xem xét xây dựng một giao diện mới cho trang thông tin điện tử của UBCK bằng tiếng Anh phục vụ cho công bố, cung cấp thông tin cho NĐT nước ngoài. Về các quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, thuế, UBCK đang thúc đẩy các bộ phận liên quan hiệu chỉnh các bản dịch sang tiếng Anh. Về thông tin DN niêm yết, UBCK đang xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các tiêu chí mà MSCI đặt ra.
Nhằm tiết giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho NĐT nước ngoài tiếp cận TTCK Việt Nam, UBCK đã cùng VSD nghiên cứu, rà soát hạ tầng công nghệ hiện tại để xây dựng hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài.
“Qua đánh giá sơ bộ của VSD, với quy định pháp lý cũng như hệ thống hạ tầng công nghệ hiện tại thì việc đáp ứng yêu cầu đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài là khá thuận lợi, nên sẽ được triển khai sớm”, ông Long nói và cho biết thêm, quy định pháp lý hiện tại cho phép NĐT nước ngoài nộp bổ sung một số tài liệu sau khi đã được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán. Vì vậy, việc tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số giao dịch có thể được thực hiện trực tuyến qua cổng giao tiếp điện tử của VSD.
Với hạng thị trường cận biên như hiện tại, các quỹ đầu tư nước ngoài thường có hạn mức đầu tư (so với tổng giá trị tài sản ròng của quỹ) vào TTCK Việt Nam ở mức thấp, đặc biệt là các quỹ đại chúng. Tuy nhiên, khi TTCK được nâng hạng vào nhóm các thị trường mới nổi, hạn mức đầu tư này sẽ được tự động điều chỉnh tăng. Do đó, việc nâng hạng TTCK cũng là một hình thức “nới room”, nhưng từ phía các NĐT nước ngoài.
Một giải pháp khác cũng hướng tới việc tự “nới room” từ phía NĐT nước ngoài là thúc đẩy hình thành cơ chế gắn đăng ký công ty đại chúng với đăng ký giao dịch, gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch và niêm yết. Thực tế, khi đầu tư ra TTCK nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là một số loại hình quỹ đại chúng không cho phép đầu tư vào các loại chứng khoán không được giao dịch tại các thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhất là chứng khoán chưa niêm yết tại các thị trường cận biên. Vì vậy, khi đưa các công ty đại chúng, DN cổ phần hóa vào đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, hoặc niêm yết trên TTCK, thì dòng vốn ngoại sẽ có thêm địa chỉ để giải ngân.
Thu hút các quỹ lớn từ châu Âu
Theo lãnh đạo UBCK, các giải pháp nêu trên được tiến hành trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm thành công từ các thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường lân cận. Đây là các giải pháp thông dụng và được áp dụng phổ biến trên nhiều thị trường, nên có tính khả thi, tương thích cao với luật chơi của thế giới. Trong đó, ngoài giải pháp nâng hạng như trên, UBCK đang nỗ lực đàm phán với Cơ quan quản lý các TTCK châu Âu (ESMA) để sớm ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MMOU).
Thành công trong ký MMOU với 28 thành viên thuộc ESMA không chỉ thể hiện bước tiến mới trong việc đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với TTCK thế giới, sau khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), mà còn góp phần quan trọng cho nỗ lực “tăng room” từ khối ngoại vào TTCK thông qua mở đường cho các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm lớn, uy tín của châu Âu lần đầu tiên đầu tư vào TTCK Việt Nam. Các quỹ này thường có giá trị đầu tư lớn, với phương thức đầu tư dài hạn, nên khi tham gia TTCK Việt Nam, họ sẽ góp phần gia tăng số lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp cho thị trường, hỗ trợ thị trường thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả và bền vững.