Có thông tin cho rằng, dù chỉ thi công 10,6 km (thuộc Gói thầu A3) của Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) bất chấp tai mắt giám sát, đơn thư tố cáo của người dân, trên công trường cao tốc, ngang nhiên làm ẩu, tiếp tục lấy đất bẩn, bùn lầy từ nguồn khai thác trái phép để đắp nền đường, làm giả, nhưng quyết toán thật. Xin ông cho biết quan điểm của chủ đầu tư?
Công tác quản lý chất lượng luôn được VEC đặc biệt quan tâm. Công tác này chúng tôi đặt lên hàng đầu không chỉ riêng với Gói thầu A3 của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mà là với tất cả các dự án do VEC quản lý. Trong quá trình thi công đắp nền đường, việc đầu tiên là các nguồn vật liệu đất trước khi khai thác để làm vật liệu đắp nền đường cho Dự án phải được Tư vấn giám sát kiểm tra.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC)
Theo đó, nếu đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng thì nhà thầu mới chấp thuận khai thác mang đến công trường. Khi vật liệu mang đến công trường, trước khi thi công phải được tiếp tục lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra, nếu đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đạt chất lượng thì mới được tiến hành thi công. Vật liệu đưa đến công trường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ bị loại bỏ và di dời ngay ra khỏi công trường, cho dù vật liệu đã kiểm tra tại nguồn. Do vậy, VEC khẳng định thông tin về nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) sử dụng vật liệu bẩn, không đảm bảo chất lượng là không chính xác, thiếu khách quan.
Với việc thực hiện quy trình nghiêm ngặt như vậy, liệu có khả năng xảy ra việc bắt tay, thông đồng giữa tư vấn, giám sát với nhà thầu để gian dối không, thưa ông?
Đây là dự án ODA, có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế. Tư vấn giám sát tại dự án này là CDM Smith (Mỹ) - hãng tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm, uy tín tại Việt Nam và các nước trên thế giới về lĩnh vực giám sát các công trình giao thông, nên việc bắt tay, thông đồng giữa tư vấn giám sát với nhà thầu là không thể. Ngoài ra, Dự án còn có rất nhiều cơ quan thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai.
Các thông tin còn mô tả khá chính xác hành vi gian dối của nhà thầu, như tại khu vực Bàu Sen ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Nơi đây vốn dĩ là khu đầm lầy rộng lớn, bùn khu vực này sâu tới hơn 8 mét, nhưng khi thi công, nhà thầu đã không bóc lớp đất bùn lên trước khi thi công đắp cát nền đường. Ông bình luận gì về sự mô tả kỹ càng đến vậy?
Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua nhiều khu vực có nền đất yếu cần phải xử lý kỹ thuật, trong đó có khu vực Bàu Sen nói trên. Lớp đất bùn yếu ở khu vực này khá dày, do vậy nền đường khu vực này phải có phương án xử lý nền đất yếu. Có nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu khác nhau, tuy nhiên tại đây, chúng tôi xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc cát, kết hợp đắp gia tải. Phương pháp này không phải bóc lớp đất bùn yếu đi, mà dùng cọc cát cắm xuống lớp đất bùn yếu, sau đó đắp nền đường và gia tải lên. Tải trọng này làm cho nước trong lớp bùn yếu thoát ra ngoài. Khi nước thoát ra ngoài sẽ làm cho lớp đất nền đó tăng độ cố kết, tăng sức chịu tải nền đường.
VEC và Ban Quản lý dự án sẽ có động thái gì với những thông tin không chính xác, ảnh hưởng tiêu cực tới Dự án, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát?
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng nguồn vốn ODA và có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế, do vậy, việc đưa tin sai lệch, thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến nhà tài trợ, cũng như các bên tham gia Dự án. Việc này chúng tôi đã có ý kiến báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải và có văn bản gửi các cơ quan đề nghị khi phản ánh các vấn đề của Dự án cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và thông tin một cách khách quan, chính xác và đa chiều.