Thực hư nghi vấn đội vốn tại Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa

Giá trị đầu tư và thời gian hoàn vốn của Dự án BOT Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa hiện vẫn là tạm tính và chỉ được chốt trên cơ sở giá trị quyết toán vốn đầu tư được nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất.
Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2015. Ảnh: A.M Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2015. Ảnh: A.M

Không có sai phạm

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong bản thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BOT Xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1364 + 525 đến Km1392 và Km1405 đến Km1425, tỉnh Khánh Hòa (Dự án BOT Quốc lộ 1 Khánh Hòa) vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố chính là tổng số tiền cần phải xử lý tài chính khoảng 25,3 tỷ đồng.

Trong số này, số tiền được Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ qua quyết toán chi phí đầu tư, giảm thanh toán là 23,2 tỷ đồng - chủ yếu do chủ dự án chưa điều chỉnh lại đơn giá cấp phối bê tông nhựa theo thực tế thi công.

Theo các chuyên gia, số tiền cần phải xử lý tài chính tại Dự án BOT Quốc lộ 1 Khánh Hòa là không lớn, đặc biệt là khi công trình có quy mô vốn đầu tư lớn, lại trải dài theo dạng tuyến, thời gian chuẩn bị thi công khá gấp do áp lực giao thông tăng cao trên địa bàn.

Cần phải nói thêm rằng, chỉ với 4 trang A4, đây cũng là bản thông báo kết luận ngắn nhất, đề cập dự án ít lỗi nhất trong số các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 được Kiểm toán Nhà nước công bố trong vòng 1 năm qua.

Tại bản thông báo kết quả kiểm toán dự án này, do Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành ký, cơ quan kiểm soát vốn đã không dùng từ “sai phạm”, “thất thoát” nào, cho thấy chủ dự án và các bên liên quan đã rất có ý thức trong việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư, chế độ tài chính của Nhà nước.

Được biết, Dự án BOT Quốc lộ 1 Khánh Hòa có chiều dài 37,7 km, với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 2.644 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch và một công ty quản lý quỹ làm nhà đầu tư.

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (doanh nghiệp dự án) cho biết, đối với dự án công trình giao thông, đặc biệt là Dự án mở rộng Quốc lộ 1, công địa trải dài, thời gian thi công lâu, đơn giá vật tư nhân công thay đổi, trong quá trình thi công, có nhiều hạng mục của gói thầu phải điều chỉnh khối lượng và đơn giá cho phù hợp với thực tế, dẫn đến giá trị quyết toán cuối cùng thường không chính xác như giá trị dự toán duyệt ban đầu và giá trị tạm thanh toán trong quá trình thi công (đây là công việc cập nhật thường xuyên trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng).

“Trong giai đoạn quyết toán, nhà đầu tư và tư vấn giám sát sẽ cùng với nhà thầu rà soát, tính toán chuẩn xác lại khối lượng và đơn giá thực tế thi công để lập giá trị quyết toán. Do đó, giá trị quyết toán cuối cùng sẽ được tính chuẩn xác sau khi xác định các khối lượng thực tế trên hiện trường và các lỗi số học nhầm lẫn do tính toán (nếu có) trong quá trình thi công”, ông Tự cho biết.

Tự hiệu chỉnh sai lệch

Được biết, để việc quyết toán Dự án được chuẩn xác giá trị đúng theo thực tế triển khai và xác định chính xác thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án, vào cuối tháng 8/2016, Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc sớm ngay trong năm 2016.

Theo ông Tự, quá trình kiểm toán Dự án được Kiểm toán Nhà nước triển khai từ tháng 10 đến tháng 12/2016 trên cơ sở số liệu dự án tính đến ngày 30/6/2016. Tại thời điểm đó, nhà đầu tư cùng các nhà thầu tiến hành rà soát khối lượng và đơn giá để thực hiện quyết toán các gói thầu. Do có nhiều gói thầu chưa chốt giá trị quyết toán, việc kiểm toán dựa trên cơ sở hồ sơ dự toán ban đầu và số liệu thanh toán đến ngày 30/6/2016, nên việc kết quả có sai lệch là điều khó tránh khỏi.

“Nhà đầu tư đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Dự án nhằm giúp mình tự xác định sự sai lệch (nếu có) để quyết toán với nhà thầu”, ông Tự nói. Cũng theo ông Tự,  căn cứ ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, nhà đầu tư đã giảm trừ sai lệch khi quyết toán với nhà thầu.

Liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tính toán, xác định các chi phí chưa chính xác, chưa hợp lý làm tổng mức đầu tư Dự án tăng 179 tỷ đồng, khiến thời gian hoàn vốn Dự án tăng 1 năm 11 tháng 3 ngày trong phương án tài chính, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, tổng mức đầu tư chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình, chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn dự án.

“Theo quy định trong các hợp đồng BOT, sau khi dự án hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Thực tế, thời gian qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành rà soát các dự án BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra, sau đó mới lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí của dự án”, ông Huy nhấn mạnh.

Cũng cần phải nói thêm, sau khi kiểm toán rà soát, tính toán lại phương án tài chính với số liệu đến ngày 31/6/2016, thì thời gian hoàn vốn tạm xác định là 16 năm 10 tháng 22 ngày, giảm 4 năm 9 tháng 19 ngày, do nhà đầu tư chưa phải sử dụng chi phí dự phòng (640 tỷ đồng), chi phí lãi vay giảm 987,4 tỷ đồng, chi phí đầu tư giảm 23,2 tỷ đồng.

“Một phần kết quả này là do chủ đầu tư đã kiểm soát tốt các chi phí và thành công trong việc rút ngắn tiến độ thi công hơn 3 tháng so với hợp đồng gốc ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, lãnh đạo Vụ PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.

Dự án BOT Quốc lộ 1 Khánh Hòa

 Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ dùng phụ gia SBS trộn với bê tông nhựa để chống hằn lún vệt bánh xe và rút ngắn tiến độ thi công. Tiến độ Dự án theo hợp đồng BOT là ngày 31/12/2015, nhưng trên thực tế, ngày 26/9/2015, Dự án đã thông xe đưa vào sử dụng, vượt trước 3 tháng.

Ngay sau khi dự án đưa vào sử dụng, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung làm quyết toán các gói thầu (quyết toán A - B) để làm cơ sở cho nhà đầu tư quyết toán vốn đầu tư với Bộ Giao thông - Vận tải, nhằm xác định chính thức thời gian thu phí hoàn vốn cho của Dự án, đảm bảo tính minh bạch. Đến ngày 9/12/2016, nhà đầu tư đã trình hồ sơ quyết toán vốn dự án cho Bộ Giao thông - Vận tải.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục