Thực hư chuyện thua lỗ liên tục của K+

0:00 / 0:00
0:00
Vì sao Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) thua lỗ liên tục suốt 12 năm, với số lỗ gần 3.600 tỷ đồng?

Bức tranh toàn cảnh K+

Theo báo cáo mới nhất, K+ tiếp tục thua lỗ 265 tỷ đồng trong năm 2020. Như vậy, theo dữ liệu của chúng tôi, lỗ lũy kế đến hết năm 2020 của K+ cả ngàn tỷ đồng và công ty này đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.300 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của K+ đến từ nguồn vốn vay, tới cuối năm 2019, nợ phải trả của K+ đã lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm trước, trong đó nợ vay hơn 1.100 tỷ đồng.

K+ chính thức ra mắt năm 2009, là liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV, nắm 51% cổ phần) và Canal+ (Pháp, nắm 49%). Tổng số vốn góp của VTV và Canal+ là 20,1 triệu USD, trong đó phía Canal+ góp 9,8 triệu USD bằng tiền mặt, VTV góp 10,2 triệu USD bằng tài sản quy đổi.

Chỉ sau một năm ra mắt, năm 2010, K+ đã thay thế VTV, VTC độc quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. K+ cũng hợp tác với các hãng sản xuất phim lớn như CJ, BHD… để phát sóng độc quyền các bộ phim chiếu rạp. Trong 12 năm qua, K+ đã trả khá nhiều tiền để sở hữu bản quyền các Giải Ngoại hạng Anh trong bối cảnh giá bản quyền bóng đá tăng mạnh.

Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2013, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Giải Ngoại hạng Anh là 13 triệu USD. Mùa giải 2013 - 2016, số tiền bản quyền giải này mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần, lên 41 triệu USD. Mùa giải 2016 - 2019, con số tiếp tục tăng lên với khoảng 46 triệu USD.

K+ cũng đã vượt qua Facebook để trở thành đơn vị phát sóng độc quyền Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 - 2022. Mức giá K+ bỏ ra cho thương vụ này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng không thấp hơn số tiền mà Facebook từng đề nghị. Facebook được cho là có ý định chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, cao hơn 2,2 lần số tiền mà K+ đã chi ra cho 3 mùa giải trước đó.

Không chỉ nắm trong tay Giải Ngoại hạng Anh, K+ còn độc quyền phát sóng Champions League (C1), Europa League, đây đều là những giải đấu thu hút lượng người xem rất lớn tại Việt Nam. Nhà đài này cũng đầu tư khá nhiều vào chất lượng các kênh khi hợp tác với các hãng phim lớn như BHD, CJ… để được phát sóng độc quyền sớm nhất các phim chiếu rạp. Đây là điểm nổi bật của K+ so với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khác trong nước.

Để chiếm lĩnh thị phần, bên cạnh nội dung hấp dẫn (nhiều chương trình độc quyền), K+ còn liên tục giảm giá cước thuê bao. Nhà đài này cũng đẩy mạnh phát triển trên nền tảng OTT, giúp các thiết bị di động chỉ cần kết nối Internet đều có thể xem được K+, với mục tiệu giúp tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng.

Về thuê bao, nếu năm 2009, K+ chỉ có hơn 95.000 thuê bao, thì đến năm 2017 đạt 789.000 và theo thông tin chưa được xác nhận, K+ đã đạt mức thuê bao trên 1 triệu từ năm 2019.

Những năm gần đây, VTV đã có kế hoạch thoái vốn khỏi K+. Việc này nằm trong lộ trình thoái vốn của VTV khỏi 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền mà đơn vị này đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn, gồm VTVcab, SCTV và K+.

Thực hư chuyện thua lỗ

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo K+ tuyên bố: “K+ đã đạt điểm hòa vốn sau 5 năm đầu tư”. Nhưng trên thực tế, đến nay là 12 năm, K+ vẫn thua lỗ. Đó là câu hỏi lớn nhất chưa được K+ giải đáp thỏa đáng.

Mọi hoạt động của liên doanh K+ vẫn còn nhiều vấn đề chưa được công khai minh bạch.

Lý giải câu chuyện K+ thua lỗ, năm 2015-2016, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho biết, K+ ra đời muộn, khi truyền hình trả tiền Việt Nam đã phát triển với nhiều đơn vị tham gia, nhiều phương tiện truyền hình khác nhau tạo nên sức ép cạnh tranh rất lớn. Vốn đầu tư ban đầu của 2 chủ đầu tư thấp, chỉ 20 triệu USD, trong khi vốn cho một doanh nghiệp truyền hình trả tiền rất lớn. Vì vậy, K+ phải sử dụng nguồn vốn vay lớn hơn nhiều lần vốn chủ, dẫn đến số vay nợ lớn, sức ép lãi vay và trả nợ cao. Cùng với đó, vấn đề vi phạm bản quyền đang ngày càng phổ biến và trắng trợn là thách thức đối với mọi đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền.

Còn theo đại diện của Canal+ tại K+, Canal+ đã đầu tư rất lớn, gần như toàn bộ vốn đầu tư thực tế về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nội dung, bản quyền… Để một kênh truyền hình mới đi vào hoạt động và có lãi thường phải mất khoảng 10 năm, vì thế, đòi hỏi K+ phải có lãi chỉ vài năm sau khi đầu tư hàng trăm triệu USD là điều rất khó khăn.

Thời điểm đó, lãnh đạo K+ cho rằng, nếu không đạt trên 1 triệu thuê bao, thì K+ “đừng nghĩ chuyện thoát lỗ”. Nhưng sau 10 năm, đến năm 2020, khi đạt trên 1 triệu thuê bao, K+ vẫn thua lỗ.

Khách quan thì từ khi K+ tham gia thị trường truyền hình trả tiền với cách thức cạnh tranh là độc quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh và “đẻ” ra kênh truyền hình cao cấp giá đắt, thị trường truyền hình trả tiền đã có sự cạnh tranh dữ dội. Các kênh truyền hình phải đầu tư nhiều hơn cho nội dung, cung cấp nhiều chương trình hay hơn và giá rẻ hơn.

Nhưng mọi hoạt động của liên doanh này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được công khai minh bạch. Ví dụ, K+ bỏ ra bao nhiêu tiền mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh từ năm 2013 đến 2022? Số tiền đó hạch toán như thế nào? K+ có chuyển giá hay không? Số nợ của K+ với các ngân hàng, tổ chức tài chính đến nay là bao nhiêu? Giải pháp nào để K+ thoát lỗ? VTV có trách nhiệm như thế nào? VTV có kế hoạch gì để xử lý vấn đề thua lỗ tại liên doanh?...

Báo Đầu tư đã gửi những câu hỏi trên tới K+ và sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài viết tiếp theo.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục