Thực hành ESG: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có những động thái tích cực đón nhận các mục tiêu liên quan đến ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Thực hành ESG: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp

Thế hệ kế nghiệp quan tâm hơn tới ESG

Các doanh nghiệp tư nhân có thể làm chủ câu chuyện ESG thông qua mục đích và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể tạo sự đồng thuận một cách tự nhiên với các bên liên quan thông qua việc tập trung vào các giá trị lâu dài, tài sản bền vững với mục tiêu tạo dựng di sản doanh nghiệp.

Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc tập trung chú ý vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nhìn nhận đúng đắn về ESG cũng như chủ động hơn trên hành trình này.

Tuy vậy, Báo cáo sẵn sàng thực hành ESG của PwC trong doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho thấy, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu kiến thức về ESG. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khoảng cách đáng kể về quản trị và báo cáo ESG trong tương quan với tình hình chung ở Việt Nam.

Cụ thể, 60% doanh nghiệp tiết lộ chỉ có cơ cấu không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị về các vấn đề ESG; chỉ 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu và thước đo ESG. Trong khi đó, số liệu trung bình của tất cả các loại hình doanh nghiệp lần lượt là 51% và 47%.

Khảo sát cũng cho thấy sự thiếu hụt về vai trò lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cụ thể, có tới 34% số doanh nghiệp tiết lộ rằng hội đồng quản trị của họ hiện không tham gia vào các vấn đề ESG và 48% doanh nghiệp cho biết tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG.

Những con số này vượt qua mức trung bình của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lần lượt là 32% và 38%. Có tới 41% doanh nghiệp tư nhân tham gia khảo sát cho biết, chương trình ESG của họ được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải trách nhiệm duy nhất của họ.

Một điểm yếu khác của thực hành ESG ở nhóm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nằm ở công tác truyền thông. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân đang dần tiến bộ trong hoạt động phát triển bền vững, song đa số các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực hiện truyền thông ra công chúng một cách hiệu quả. Hiện trạng về quản trị và báo cáo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy cần được cải thiện nhiều, khi có 70% số doanh nghiệp không có hoặc hạn chế báo cáo các vấn đề ESG ra bên ngoài.

Một tín hiệu tích cực từ thị trường là sự chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào ESG trong tương lai khi thế hệ kế nghiệp đảm nhận vai trò lãnh đạo. Có tới 68% người thuộc thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam tham gia khảo sát mới đây của PwC tin rằng, họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và 45% nhìn thấy cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong các hoạt động bền vững. Ngoài ra, 77% trong số họ bày tỏ mong muốn tham gia vào việc đầu tư bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

Thế hệ kế nghiệp được coi là một trong những nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và họ thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thực hành các mục tiêu ESG.

Với tinh thần đổi mới và nhiệt huyết đối với phát triển bền vững, những nhà lãnh đạo tương lai nên được khuyến khích thực hiện một bước nhảy vọt và tạo dựng con đường riêng của mình thông qua việc nâng cao kỹ năng và thúc đẩy các sáng kiến ESG. Bên cạnh đó, so với các công ty niêm yết, doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt hơn trong cơ cấu hoạt động, điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định và tiến độ tích hợp các nguyên tắc ESG.

Chuyển đổi năng lượng cần được ưu tiên

Chuyển đổi năng lượng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện ESG và được coi là góp phần lớn nhất vào việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dù vậy, có không ít rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đầu tư vào chuyển đổi năng lượng, một trong số đó là chi phí ban đầu đáng kể cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng có thể được coi là lợi thế cạnh tranh trên thị trường và sẽ góp phần kiến tạo giá trị lâu dài, bao gồm hình ảnh thương hiệu bền vững giúp thu hút các nhà đầu tư - nhờ vào mối quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với các dự án phát triển bền vững.

Việc áp dụng năng lượng xanh cũng sẽ đảm bảo tuân thủ các chính sách và quy định liên quan trên quốc tế và khu vực, giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí liên quan đến phát thải các-bon trong thời gian tới. Một lộ trình chuyển đổi từng bước nên được doanh nghiệp tư nhân cân nhắc. Việc đánh giá bao gồm các phương án quản lý các-bon và yếu tố hỗ trợ để giảm phát thải dọc theo chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Khi được hỏi về những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp tư nhân cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty khi hơn một nửa vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG.

Các doanh nghiệp tư nhân có thể xem nâng cao năng lực như một cách truyền tải các mục tiêu ESG để xây dựng niềm tin và sự minh bạch; gắn kết nhân viên với các chiến lược của doanh nghiệp. Ngoài ra, nâng cao năng lực có thể giúp nhân viên đóng góp vào các mục tiêu ESG và tận dụng các kỹ năng đa ngành, kết hợp kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để thúc đẩy tiến bộ, hướng tới kết quả ESG.

Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình cũng cần ưu tiên báo cáo ESG. Đây là cơ hội để thể hiện giá trị cốt lõi và thành tựu đạt được, giúp họ tạo ấn tượng các bên liên quan. Báo cáo ESG có thể phức tạp, nhưng doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ bằng việc tập trung vào các vấn đề ESG chính liên quan trực tiếp đến ngành nghề và các bên liên quan.

Nguyễn Hoàng Nam
Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục