Thực hành ESG ngành ngân hàng giúp thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới phát triển bền vững

(ĐTCK) Bằng việc áp dụng các chính sách ưu tiên với doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG và hạn chế tín dụng cho những hoạt động gây tổn hại tới môi trường và xã hội, ngân hàng đóng vai trò mắt xích rất quan trọng trong chuỗi hành động về ESG.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ngày 19/11/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư chia sẻ, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 là một hành trình đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các vấn đề về tài chính khí hậu đang là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, tài chính xanh đang ngày càng trở nên quan trọng và ngành ngân hàng với tư cách là nguồn cung cấp vốn chủ đạo của nền kinh tế có thể đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới phát triển bền vững.

Tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) - bộ 3 tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, phản ánh sự tương tác của doanh nghiệp với môi trường xung quanh – vào định hướng chiến lược và hoạt động không chỉ thúc đẩy quá trình xanh hoá hoạt động của các ngân hàng, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, mà còn giúp nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hoá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bằng việc áp dụng các chính sách ưu tiên với doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG và hạn chế tín dụng cho những hoạt động gây tổn hại tới môi trường và xã hội, ngân hàng đóng vai trò mắt xích rất quan trọng trong chuỗi hành động về ESG.

Hiện tại, rất nhiều quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều quy định và chính sách thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn ESG, trong đó có hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và còn gặp nhiều vướng mắc.

"Bằng việc áp dụng các chính sách ưu tiên với doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG và hạn chế tín dụng cho những hoạt động gây tổn hại tới môi trường và xã hội, ngân hàng đóng vai trò mắt xích rất quan trọng trong chuỗi hành động về ESG" - ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Về mặt chủ trương, chính sách, công tác huy động nguồn lực tài chính, đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan. Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Đa số các ngân hàng hiện tại đã và đang chuyển đổi mô hình hoạt động hướng tới các chuẩn mực cao của quốc tế về quản trị. Quá trình chuyển đổi số gần đây vừa là mục tiêu vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều ngân hàng đạt mức hiệu quả ở các chỉ số ROA, ROE hàng đầu khu vực.

"Nếu chia theo từng trụ cột của E, S và G, theo một khảo sát của PwC, các tổ chức tài chính, bao gồm các ngân hàng đang ưu tiên yếu tố quản trị (G) nhiều hơn so với môi trường (E) và xã hội (S). Kết quả này cũng tương ứng với thực tế là ngành ngân hàng đang dẫn đầu trong khối các doanh nghiệp Việt Nam về quản trị.

Trong khi đó, việc xanh hoá lại cần chú trọng đến yếu tố E, phản ánh mức độ tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả và kiểm soát ô nhiễm… Và yếu tố E - phản ánh mô hình kinh doanh bền vững, chính sách phúc lợi với người lao động, mức độ đầu tư vào cộng đồng – cũng rất cần có thêm sự quan tâm", ông Minh cho biết.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những diễn biến trên và đây là một trong những nội dung chính mà Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” sẽ phân tích, thảo luận. Từ những phân tích này, cũng như các bài học kinh nghiệm hữu ích từ các quốc gia khác, ngành ngân hàng có thể thấy các giải pháp được gợi mở để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng xử lý các vấn đề liên quan tới chi phí trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hành và đánh giá rủi ro ESG, phát triển đội ngũ nhân sự đặc biệt là ở các mảng E và S, nâng cao nhận thức của hệ thống và cộng đồng…

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục