Thực hành ESG là cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp, cũng như ngân hàng

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, thực hành ESG giúp ngân hàng vừa quản lý tốt rủi ro, vừa tận dụng các cơ hội mới thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội thảo "ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu"

Chia sẻ tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, bà Lý Thu Nga, Trưởng Hợp phần Cải cách khu vực tài chính xanh, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, các ngân hàng cần xác định thực hành ESG là cơ hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Giải thích cụ thể hơn, theo bà Nga, ngay từ đầu cần xác định thực thi ESG không phải mang tính trách nhiệm mà là một cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã tổ chức khá nhiều đoàn đi tham khảo kinh nghiệm các quốc gia tại châu Âu. Chúng tôi được nghe thực tế các ngân hàng chia sẻ rằng họ coi chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thực thi ESG là cơ hội để phát triển kinh doanh. Có ngân hàng đã tiến hành chuyển đổi kép, áp dụng công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hành ESG, mang lại lợi ích tối ưu cho hoạt động kinh doanh; có ngân hàng định vị lĩnh vực kinh doanh chủ đạo tập trung vào phát triển bền vững, lĩnh vực cho vay phát triển bền vững.

Vì vậy, nhận thức là điều vô cùng quan trọng để chúng ta biết được chiến lược của tổ chức như thế nào: liệu chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ hay thực sự đi con đường cải cách theo hướng lồng ghép vào từng phần, hoặc lồng ghép toàn diện", bà Nga nói.

Bà Lý Thu Nga, Trưởng Hợp phần Cải cách khu vực tài chính xanh, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)

Tại Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến trong nhận thức cũng như thực hành ESG tốt, tuy nhiên so với các quốc gia khác trên thế giới, một số khu vực đã có bước tiến khá lớn trong quá trình thực hành ESG, như tại châu Âu, vấn đề không còn là khuyến khích mà được đưa vào văn bản pháp quy liên quan tới việc phân loại xanh hay công bố thông tin về tài chính bền vững, báo cáo bền vững.

“Tôi cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam nắm bắt bằng cách bắt đầu triển khai mạnh mẽ hơn việc thực hành ESG tốt trong các định chế tài chính và xác định định hướng phát triển trong tương lai. Chúng ta cần xác định thực hành ESG là cơ hội kể cả trong ngắn hạn và dài hạn”, bà Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Tạ Đức Bình, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, ông vừa tham gia một nghiên cứu kinh tế tại các thị trường lớn bao gồm Mỹ, khu vực Đông Á, Đông Nam Á về sự liên kết giữa khoản đầu tư ESG với chuyển dịch Net zero.

“Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có điểm thực hành ESG cao hơn có khả năng duy trì và phục hồi tốt hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Điều này chứng minh, ngoài lợi ích dài hạn thì thực hành ESG còn giúp doanh nghiệp chống chọi trước các cú sốc”, ông Bình cho biết.

Ông Tạ Đức Bình, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thực tế, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh giúp ngân hàng vừa quản lý tốt rủi ro, vừa tận dụng các cơ hội mới. Có thể nói, quản trị ESG giúp gia tăng hình ảnh và phòng tránh các rủi ro danh tiếng. Tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh cũng giúp đón đầu xu thế quốc tế, làm tăng lợi thế cạnh tranh…

Trong vòng 5 năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra khái niệm rủi ro Môi trường - Xã hội - Quản trị 2.0 (ESG 2.0) thay vì khái niệm rủi ro Môi trường - Xã hội - Quản trị 1.0 (ESG 1.0) trước đó. Nếu như ESG 1.0 chỉ đề cập đến việc các doanh nghiệp phải quan tâm vấn đề rủi ro môi trường, thì ESG 2.0 đã mở rộng thêm phạm vi ra các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến lợi thế thương mại, danh tiếng của doanh nghiệp. Điều này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trong việc đánh giá hiệu suất rủi ro ESG và định giá thị trường/giá cổ phiếu. Đây cũng được coi là mục tiêu để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Điều này cũng lý giải vì sao nhiều quốc gia đã và đang thúc đẩy các ngân hàng thương mại tích cực xây dựng chính sách và áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro ESG vào hoạt động của mình.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục