Thúc đẩy vai trò tiên phong của doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam cần tự mình nhận lãnh vai trò tiên phong, chủ động đi đầu trong cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" - bà Phạm Chi Lan bày tỏ như vậy khi theo dõi loạt bài "Làm gì để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của bà Phạm Chi Lan hưởng ứng loạt bài trên.

 


Nếu 86 triệu  người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt, thị trường nội địa sẽ trở thành hậu phương vững chắc cho DN

 

Dù không được Nhà nước giao, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn cần tự mình nhận lãnh vai trò tiên phong, chủ động đi đầu trong cuộc vận động vì nhiều lẽ.

 

Điều đầu tiên, rõ ràng DN là người thụ hưởng nhiều nhất từ thành quả của cuộc vận động, mặc dù cả nền kinh tế và người tiêu dùng (NTD) cũng chắc chắn sẽ được hưởng thành quả của cuộc vận động này.

 

Còn gì quý hơn khi cả thị trường nội địa, cả 86 triệu NTD ủng hộ hàng Việt Nam, trở thành hậu phương vững chắc cho DN Việt Nam trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, trong đó có thị trường nước ta, mỗi ngày một thêm quyết liệt.

 

Mặt khác, DN cũng là lực lượng cần hành động nhiều nhất, mạnh nhất, quyết liệt nhất, bền bỉ nhất để thực hiện cuộc vận động, không chỉ trong thời gian trước mắt, mà cả về lâu dài. Dù cần sự tham gia của tất cả các lực lượng khác nhau trong xã hội, song thực tế DN vẫn là lực lượng quyết định thành công của cuộc vận động, bởi không ai khác ngoài DN có thể tạo cho NTD niềm tin và sự vững lòng để họ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

 

DN cũng hiểu rõ rằng trong thời đại hội nhập quốc tế, Nhà nước không thể thi hành chính sách bảo hộ quá mức cho DN và hàng nội, không thể hạn chế sự mở cửa thị trường nội địa trái với các cam kết và thông lệ quốc tế. Sự hỗ trợ mà Nhà nước có thể dành cho DN trong cuộc vận động này cũng chỉ có hạn.

 

Trong khi đó, thị trường nội địa sẽ liên tục mở cửa rộng hơn cho các DN và hàng hóa nước ngoài theo các cam kết khu vực và quốc tế. Các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cũng sẽ liên tục tăng lên theo các chuẩn mực trong nước và quốc tế.

Xã hội và NTD sẽ đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao hơn ở DN và không thể ủng hộ vô điều kiện DN Việt, sản phẩm Việt. Trong bối cảnh đầy thách thức “cạnh tranh hay là chết”, mà cạnh tranh nói cho cùng cũng là để giành lấy NTD, DN phải chủ động giành lấy NTD Việt Nam về phía mình.

 

 

Tư duy lại về thị trường và người tiêu dùng

 

Cần thấy rõ trong thời đại ngày nay, ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế đang nhanh chóng giảm đi khi các hàng rào thương mại được xóa bỏ, tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mọi thị trường.

 

Cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới đang buộc các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu phải xem lại chiến lược thị trường của mình. Mỗi DN cũng cần có chiến lược thị trường cân bằng, hợp lý cho mình, không thể “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

 

Thị trường nội địa Việt Nam có qui mô khá lớn, nhiều tiềm năng, đang nhanh chóng mở rộng theo đà phát triển kinh tế và mức sống của người dân, theo đà hội nhập với thị trường hơn 550 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á.

 

Nhiều nhà đầu tư và DN nước ngoài đánh giá cao tiềm năng đó và coi thị trường nội địa là một trong những lợi thế của Việt Nam hấp dẫn họ đến làm ăn trên mảnh đất này.

 

Đối với NTD, DN cần thấy NTD chính là người phán xét công bằng nhất về các DN và sản phẩm của DN, là người quyết định thành bại của DN bằng việc có hay không sử dụng sản phẩm của DN. Khi phục vụ NTD, các DN cũng làm việc vì sự phát triển hay tồn vong của chính DN, do vậy phải thực sự nghiêm túc với những cam kết của mình.

 

Ở Việt Nam , nhiều nghiên cứu thị trường cho thấy, trên thực tế sức mua của NTD cao hơn đáng kể so với dự tính dựa trên các con số thống kê kinh tế. Sự tinh tế của NTD Việt cũng cao hơn so với NTD ở các nước khác có mức thu nhập tương đương nước ta.

 

Mặc dù còn thiếu thông tin, còn hạn chế trong nhận thức về quyền của NTD, còn chưa thể là những “NTD thông thái”, chưa được bảo vệ quyền lợi đúng mức, NTD Việt nhìn chung không hề kém tỉnh táo và thực dụng khi chọn lựa mua sắm cho mình. Do vậy DN phải thực tâm coi trọng họ, cố gắng tối đa để giành lấy lòng tin và sự ủng hộ của họ.

 

 

Tích cực cấu trúc lại thị trường nội địa

 

Cần nghiên cứu, đánh giá lại các mặt mạnh, yếu, cơ hội, thách thức của thị trường nội địa Việt Nam , của DN Việt, hàng Việt  trên thị trường nội địa trong bối cảnh tự do hóa thương mại và cạnh tranh toàn cầu.

 

Cần đặc biệt quan tâm đến những thay đổi đang diễn ra mau lẹ trên thị trường khu vực, khi các nước ASEAN đẩy mạnh thực hiện lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các cam kết thương mại tự do với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, NewZealand, Ấn Độ…

 

Những thay đổi này sẽ mở đường cho hàng hóa từ các nước trong khu vực thâm nhập thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn, dễ dàng hơn, tạo nên sức ép cạnh tranh cho DN Việt Nam trên thị trường nội địa nặng nề hơn cả so với sức ép do mở cửa thị trường theo cam kết với WTO.

 

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá những lợi thế và bất lợi thế của mình, các DN cần tham gia đề xuất chiến lược phát triển hàng Việt, DN Việt trên các mảng thị trường lớn: nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, cho cả các sản phẩm vật chất và dịch vụ.

 

DN cũng cần nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển các đối tượng tiêu dùng lớn tại thị trường Việt Nam : Nhà nước, DN, NTD; các phân khúc thị trường thích hợp với từng loại DN; các cách tiếp cận phù hợp với từng loại đối tượng tiêu dùng.

 

Cũng rất cần nghiên cứu nhận diện các đối thủ cạnh tranh và công cụ cạnh tranh, đánh giá tương quan cạnh tranh trên thị trường để có đối sách thích hợp, phân chia thị trường trước mắt cũng như xác định phương hướng tái định vị hàng Việt trên thị trường nội địa trong trung và dài hạn.

 

Nỗ lực hết mình phát triển thị trường nội địa

 


Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là vấn đề cốt tử trong phát triển thị trường nội địa

 

Điều chỉnh chiến lược cạnh tranh

 

Riêng về xu hướng cạnh tranh của DN Việt Nam   trong 5-10 năm tới, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Sự chuyển đổi rất cần thiết từ cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng và sự khác biệt

- Cải thiện mạnh các nhân tố nhân lực, quản trị, R&D trong DN

- Điều chỉnh từ kinh doanh đa ngành sang chuyên môn hóa

- Phát triển qui mô hợp lý để đạt hiệu quả cao hơn, kể cả bằng cách sáp nhập hoặc mua lại DN

- Đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường

- Tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và vươn mạnh ra thị trường khu vực cùng các thị trường quốc tế chọn lọc

- Phát triển các mạng liên kết sâu rộng giữa các DN

 

           Phạm Chi Lan

Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là vấn đề cốt tử trong phát triển thị trường nội địa cũng như trong xuất khẩu. Điều này không DN nào không hiểu. Song để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường nội địa, ngoài nỗ lực của từng DN, có rất nhiều việc cần được các DN chung sức thực hiện.

 

Đó là phát triển các liên kết DN, các liên kết ngành, vùng, hình thành các chuỗi sản xuất, mạng kinh doanh hiệu quả trong nội bộ các DN Việt Nam  cũng như với các DN nước ngoài. Thiếu những liên kết này, các DN Việt Nam không thể tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, cải thiện vị thế để cạnh tranh. Bản thân các liên kết này cũng tạo nên thị trường rộng hơn, bền vững hơn cho các DN.

 

Đó là phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp phù hợp với các mảng thị trường, các đối tượng tiêu dùng chính trong nền kinh tế. Hệ thống phân phối vừa là cầu nối giữa nhà sản xuất và NTD, vừa là khâu có thể tạo giá trị gia tăng đáng kể, đồng thời cũng là nơi diễn ra sự cạnh tranh trực diện giữa sản phẩm và DN Việt Nam với sản phẩm và DN nước ngoài. Vì vậy việc phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp, bao gồm cả hệ thống phân phối hiện đại và hệ thống phân phối truyền thống, có ý nghĩa sống còn đối với các DN Việt Nam và quyết định sự phát triển của thị trường nội địa.

 

Đó là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ hỗ trợ và hậu cần, là cải thiện hạ tầng mềm và hạ tầng cứng cho thương mại, là đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất kinh doanh.

 

Đó còn là việc xây dựng hệ thống nghiên cứu và thông tin thị trường, thường xuyên trao đổi, học hỏi, biết mình biết người, biết cách hợp tác và cạnh tranh với nhau và với các loại đối tác, đối thủ quốc tế trên thị trường. Những điều này sẽ giúp giảm bớt rủi ro, tăng khả năng khai thác thị trường theo cách “các bên cùng thắng”.

 


5 năm tới,chuyển đổi từ cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng và sự khác biệt

 

Nâng cấp yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh

 

Đó là các yếu tố:

- Chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt

- Hiểu biết và đáp ứng nhu cầu của khách hàng

- Hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ tốt

- Giảm giá thành, nâng giá trị gia tăng của DN

- Xây dựng và phát triển thương hiệu, uy tín của DN

- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động

- Hệ thống quản trị DN tốt

- Đổi mới công nghệ

- Tạo được liên kết, hợp tác tốt với các DN liên quan

- Đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và môi trường

- Linh hoạt, thích ứng khi điều kiện thị trường thay đổi

 

Điều đáng mừng là các DN Việt Nam, mà đa số là DN nhỏ và vừa, đã có sự năng động và sức sống đáng nể qua hai cơn bão lạm phát và suy thoái ở nước ta trong hai năm 2008, 2009, góp phần không nhỏ trong việc duy trì mức tăng trưởng dương của nước ta trong hai năm đầy khó khăn này.

 

Cuộc vận động được Bộ Chính trị đưa ra rất đúng lúc hy vọng sẽ được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cả ba đối tượng quan trọng - nhà nước, doanh nghiệp và xã hội - người tiêu dùng, để đưa nền kinh tế nước ta nhanh chóng phục hồi và phát triển trong những năm tới.

 

Trong ba đối tượng này, hy vọng doanh DN, với vai trò tiên phong của mình, sẽ tạo được những chuyển biến thực sự về sức cạnh tranh của hàng Việt và thị trường nội địa, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà cất cánh trong tương lai không xa.


VNN

Tin cùng chuyên mục