Thúc đẩy tích cực các kênh tài sản

(ĐTCK) Thông tin nhận được nhiều sự chú ý của các nhà quan sát thị trường tuần qua là tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 5 lên đến gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,87 triệu tài khoản, tương đương gần 8% dân số Việt Nam.

Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 5 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 131.839 tài khoản mới. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 171 tài khoản.

Như vậy, luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 645.000 tài khoản. Dữ liệu từ các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và thực tế các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cũng cho thấy, độ tuổi của nhà đầu tư đang dần trẻ hóa. Trong số người xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng tuần qua cũng có nhiều gương mặt trẻ.

Cũng phải nói thêm rằng, gen Z hiện quan tâm hơn tới các kênh đầu tư bởi thu nhập của các bạn trẻ hiện có khởi điểm cao hơn nhiều so với bậc cha chú, đồng thời họ có tài sản được thừa hưởng từ cha mẹ để lại.

Xu hướng đầu tư, phân bổ tài sản vào các kênh biến động mạnh và phi truyền thống như tiền số, chứng khoán... được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này tạo ra sự sôi động hơn đáng kể cho thị trường tài chính Việt Nam.

Tại Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức chiều 6/6 vừa qua, giới chuyên gia và khách mời đồng thuận quan điểm rằng, thị trường tư vấn tài chính cá nhân sẽ phát triển với tốc độ 2 con số. Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Về số tài sản tài chính cá nhân được quản lý (Wealth Management) tại Việt Nam trong năm 2022 đạt 45 - 52 tỷ USD, doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD.

Sự phát triển mang tính chuyên nghiệp hơn của các thị trường tài sản, tài chính được nhìn nhận hữu ích với nền kinh tế. Thông qua các thị trường này, tiền không ngủ yên mà được kích hoạt, lưu thông để tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất mà các nhà tạo lập chính sách đang hướng đến. Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cũng tạo ra các lớp sóng nối tiếp nhau trên thị trường tài chính, có lên có xuống.

Với riêng thị trường chứng khoán, theo Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Thông qua sự phát triển của thị trường thứ cấp, dòng vốn trung dài hạn được kỳ vọng khơi thông, đem lại sức sống mới cho nhiều doanh nghiệp, cho nhiều dự án đầu tư. Như những phân tích, bàn luận được đề cập sâu trong Tiêu điểm của số báo này, cùng với sự ủng hộ của các yếu tố vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp, dòng tiền tự tin đổ vào thị trường sẽ là những động lực lớn nhất, bền vững nhất để VN-Index vượt lên những mốc điểm mới mà cái đích đầu tiên là 1.300 điểm ngay trong tháng 6 này.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục