Sáng 10/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị “Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam”. Hội nghị do Diễn đàn Kinh tế tư nhân phối hợp với Tổng cục Hải quan, Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc tạo lập môi trường cạnh tranh là ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Mục tiêu chủa Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở mục tiêu này, Chính phủ đã có nhiều việc làm cụ thể như: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cắt bỏ rào cản là điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết…
Về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các bộ đã ban hành 15 văn bản thực thi cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đã cắt giảm 1.700/9.929 dòng hàng, đạt 34,3% so với yêu cầu của Chính phủ và đạt 28,3% so với dự kiến.
Văn phòng Chính phủ đang đôn đốc các bộ, ngành để đảm bảo hành thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa 968/6.213 điều kiện, đạt 31,27% theo yêu cầu của Chính phủ và đạt 25,5% so với dự kiến.
Đến nay, các Bộ đã trình Chính phủ 23 Nghị định, trong đó có 4 Nghị định đang được lãnh đạo Chính phủ xem xét ký trước khi ban hành; 15 Nghị định đã và đang được lấy ý kiến.
Dự kiến, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định thực thi cắt giảm điều kiện kinh doanh thì số điều kiện kinh doanh được cắt giảm theo phương án của các Bộ sẽ là trên 2.800 điều kiện kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhờ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, năm 2017, GDP của Việt Nam tăng 6,81% và dự kiến năm 2018 tăng 7%.
Chi phí của doanh nghiệp được cắt giảm mạnh. Nếu như năm 2016, doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công cho thủ tục xuất nhập khẩu thì năm 2017, với 11 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đã tiết kiệm 200 triệu USD, tương đương trên 4.000 tỷ đồng nhờ việc cắt giảm điều kiện, thủ tục.
Tại hội nghị, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu đã công bố dự án triển khai áp dụng Hệ thống Bảo lãnh thông quan, hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu.
Theo ông Eric Miller, Cố vấn cao cấp của GATF, Bảo lãnh Thông quan là hình thức hợp đồng đặc biệt được cung cấp bởi bên bảo lãnh do Bộ Tài chính phê duyệt, đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Bảo lãnh Thông quan hoạt động theo cách thức tương tự như hợp đồng bảo hiểm thanh toán cho cơ quan Hải quan nếu một nghĩa vụ nào đó không được thực hiện. Tuy nhiên, không giống như một hợp đồng bảo hiểm, bảo lãnh thông quan có ba bên tham gia thay vì chỉ hai bên, là hình thức rất chuyên biệt của bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Cố vấn cao cấp của GATF đánh giá, tại Việt Nam, việc triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại sẽ là cơ sở giải quyết vấn đề quản lý nhà nước về hàng hoá, "kiểm tra chuyên ngành" tham gia trong việc giải phóng hàng hoá.
Nhờ đó, giải pháp này sẽ góp phần giảm chi phí hành chính, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho Chính phủ và doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Ước tính về lợi ích của Hệ thống Bảo lãnh Thông quan, ông Eric Miller cho biết khi đưa vào áp dụng triển khai sẽ góp phần tăng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.