Chiến tranh thương mại và nỗi lo của Việt Nam

Không còn là nguy cơ, động thái trong những ngày gần đây của cả Mỹ và Trung Quốc dường như đã bắt đầu châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” và điều này đòi hỏi một bước đi thận trọng hơn của Việt Nam trong chuẩn bị các phương án ứng phó để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí là tận dụng cơ hội tích cực, nếu có.
Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ tình hình của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có các đối sách phù hợp. Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ tình hình của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có các đối sách phù hợp.
Mọi chuyện bắt đầu vào “ngày thứ Sáu lịch sử” vừa qua, khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 800 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với tổng kim ngạch khoảng 34 tỷ USD/năm.
Phần 16 tỷ USD còn lại trong kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa này sẽ được triển khai sau 2 tuần.

Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, với tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ vào Trung Quốc hàng năm cũng là 34 tỷ USD.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc thậm chí đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc buộc phải đáp trả vì phía Mỹ đã “châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế”.

Những động thái trên cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục leo thang, thậm chí đó đã là những khởi đầu của một cuộc chiến. Hẳn nhiên, điều này gây hệ lụy lớn tới kinh tế toàn cầu.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc “tung đòn”, JP Morgan đã lập tức đưa ra tới ba kịch bản cho những căng thẳng mậu dịch toàn cầu. 

Kịch bản thứ nhất, Mỹ sẽ áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và không nước nào trả đũa. 

Kịch bản thứ hai, động thái của Mỹ bị đáp trả tương đương, nghĩa là các nước khác cũng áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. 

Kịch bản thứ ba, chiến tranh thương mại bùng nổ khi các mức thuế nhập khẩu trên toàn thế giới tăng 10%.

Theo khẳng định của JP Morgan, chiến tranh thương mại sẽ làm giảm khối lượng giao dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng và gây mất niềm tin. Hậu quả là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, ở kịch bản tồi tệ thứ ba, tăng trưởng toàn cầu giảm ít nhất 1,4% trong 2 năm tới. Còn với kịch bản thứ hai, mức giảm là 0,4%.

Dù các kịch bản trên vẫn chưa được hiện thực hóa, song rõ ràng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến nguy cơ bất ổn của kinh tế toàn cầu bị đẩy lên cao.

Thậm chí, vấn đề hiện nay không chỉ là câu chuyện của Mỹ và Trung Quốc, mà căng thẳng thương mại đang có dấu hiệu lan rộng giữa Mỹ với cả Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mexico…

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 193% GDP trong năm 2017, khó có thể nói rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí là ảnh hưởng không nhỏ. 

Thực ra, hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về thách thức và cơ hội nếu căng thẳng thương mại lan rộng. Là cơ hội khi Việt Nam không phải là đối tượng của cuộc chiến thương mại, nên có thể tận dụng để gia tăng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ.

Là thách thức khi căng thẳng thương mại tác động đến kinh tế, thương mại toàn cầu, cạnh tranh gia tăng và gián tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Nhưng dù là cơ hội hay thách thức, thì một điều chắc chắn, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ tình hình của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nghiên cứu, xây dựng các đối sách phù hợp để vừa tận dụng khi có cơ hội, vừa đối phó với các thách thức xảy ra.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục