Thúc đẩy tài chính xanh và tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vận hành thị trường tín chỉ các-bon, bộ chỉ số phát triển bền vững, bộ nguyên tắc quản trị công ty mới được cập nhật theo OECD…, nhiều luật chơi mới đang mở ra với các doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo tới đây có nguồn thu kép: bán điện và bán chứng chỉ REC Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo tới đây có nguồn thu kép: bán điện và bán chứng chỉ REC

Chủ động đón cơ hội

Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) mới đây đã hợp tác với STACS - công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á, có trụ sở chính tại Singapore. Bamboo Capital sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sử dụng nền tảng kỹ thuật số ESGpedia do STACS phát triển để thực hiện báo cáo ESG, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về phát thải CO2 và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC).

Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra (1 REC = 1 MWh). Ngoài doanh thu bán điện, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo còn có thêm nguồn thu thụ động từ việc bán chứng chỉ REC. Việc mua chứng chỉ REC cho phép các doanh nghiệp khấu trừ hạn ngạch phát thải CO2 mình tạo ra và chứng minh quy trình sản xuất của công ty thân thiện với môi trường, thỏa mãn điều kiện “xanh hóa” từ đối tác quốc tế mà không cần trực tiếp sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù REC là công cụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero của châu Á, nhưng việc truy xuất nguồn gốc REC và đảm bảo không có giao dịch kép đang là một thách thức lớn. Bamboo Capital sẽ sử dụng ESGpedia để ghi nhận chi tiết các dữ liệu REC tạo ra và các giao dịch mua bán REC với đối tác để những doanh nghiệp tham gia thị trường REC có thể dễ dàng tiếp cận thông tin minh bạch và ra quyết định đầu tư chính xác.

Phát triển thị trường tín chỉ các-bon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Hiện việc xây dựng thị trường này đã được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, theo kế hoạch sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.

Theo ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Sở đang nghiên cứu và sẽ triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các-bon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV/2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam trong tương lai.

Gần đây, yêu cầu về phát triển xanh trở nên cấp thiết hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ từ quý IV/2023 phải đáp ứng thêm nhiều yêu cầu “xanh”, nếu không muốn bị mất đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng.

Chuẩn bị cho các yêu cầu khắt khe này đã nằm trong chiến lược của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn, từ năm 2022, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho toàn bộ hơn 20 xưởng sản xuất. Nhà xưởng Sông Hồng 7 và Sông Hồng 10 là hai dự án điện áp mái đầu tiên đã đi vào hoạt động trong hành trình “xanh hoá” nguồn năng lượng sản xuất của Công ty, với công suất lần lượt đạt 1,2 MWp và 0,77 MWp. Việc thay thế một phần năng lượng sản xuất bằng nguồn năng lượng điện mặt trời sẽ giúp giảm phát thải 2.000 tấn CO2 và bảo tồn 33.000 cây xanh mỗi năm ngay chính trên các nhà máy này.

“Cùng với bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thải khí CO2, chúng tôi còn đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh tế như chi phí điện năng cho sản xuất giảm và chi phí bảo trì mái cũng giảm đáng kể”, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng chia sẻ.

Xu hướng tất yếu

Sở sẽ triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các-bon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV/2023.

Ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam

Tại Diễn đàn lần thứ 10 của Trung tâm Tài chính và Đầu tư Xanh thuộc OECD nhóm họp tại Pháp năm nay, 130 quốc gia thành viên và các bên tham gia, từ OECD, Ngân hàng Phát triển châu Phi, WWF, EU đều cho rằng nhu cầu đầu tư cho chuyển đổi xanh là rất lớn. Đi kèm với cầu đầu tư là những rủi ro tiềm tàng về “rửa xanh”, công bố thông tin không đầy đủ, hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá chưa hoàn thiện.

Bởi vậy, sẽ có nhiều hành động chính sách đảm bảo niềm tin và tính nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu Net-Zero, giải pháp đảm bảo cho quá trình chuyển dịch hệ thống tài chính hướng tới thực hiện các mục tiêu khí hậu và môi trường, cũng như các sáng kiến thúc đẩy việc huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho mục tiêu khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học.

Theo ông Serda Celik, Trưởng bộ phận Thị trường vốn và các tổ chức tài chính, Khối Tài chính và Doanh nghiệp của OECD, bộ nguyên tắc quản trị công ty sửa đổi của OECD/G20 vừa được công bố ngày 11/9/2023 đã được lãnh đạo các nước thành viên G20 và OECD thông qua nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của các công ty, nâng cao niềm tin của thị trường và thúc đẩy tính ổn định tài chính. Đây cũng là những tiêu chuẩn các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam nên tiếp cận và triển khai nhằm không bị bỏ lại phía sau với các doanh nghiệp khu vực ASEAN.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Tháng 11/2021, tất cả 197 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đạt được thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26) khi thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải vào năm 2030 và về 0 vào năm 2050, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Nhằm thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra mục tiêu tổng quát là “tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh”.

Tiếp theo đó, ngày 22/7/2022, Quyết định số 882/QĐ-TTg đã được ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Với nền tảng này, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Chính phủ đặt ra.

Thị trường vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng các-bon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh. Do đó, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc chủ động xây dựng một kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho ngành chứng khoán trong giai đoạn mới là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Chiến lược quốc gia, tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo bà Layal Savas, chuyên gia cấp cao của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), hiện các quỹ đầu tư rất quan tâm tới bộ quy tắc về trách nhiệm đầu tư (Stewardship Code) và nhiều quỹ muốn tăng cường hoạt động đầu tư bền vững của mình trên thị trường.

Trên thực tế, yếu tố ESG của một doanh nghiệp đang ngày càng được cân nhắc đưa vào quyết định phân tích đầu tư ở thị trường Việt Nam, với mục đích cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một công ty. Gần đây, các quỹ đầu tư thể hiện sự quan tâm rõ ràng tới hiệu quả thực hiện ESG và coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tiềm năng đầu tư vào doanh nghiệp.

Thùy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục