Thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam - Khối thị trường chung Nam Mỹ

Việt Nam kỳ vọng sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) để cùng khai thác dư địa về thương mại, thúc đẩy đầu tư.
Cá tra Việt Nam có triển vọng xuất khẩu sang khu vực thị trường Mercosur, nhất là Brazil.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động chính trị, kinh tế khó lường và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại toàn cầu, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thúc đẩy việc đàm phán với các đối tác, trong đó có FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Dù đã ký kết 17 FTA với trên 60 nền kinh tế lớn, trong đó 16 FTA đang được thực thi hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng ưu đãi thuế quan, được tạo thuận lợi về thương mại, nhưng đàm phán FTA Việt Nam - Mercosur là nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La-tinh.

Mercosur gồm 4 quốc gia: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay, là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, do đó, đây là khu vực thị trường rất tiềm năng đối với các mặt hàng tiêu dùng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Năm ngoái, xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mercosur đạt 3,4 tỷ USD.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Brazil ủng hộ sớm kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Mercosur trong 6 tháng cuối năm 2025, khi Brazil làm chủ tịch Mercosur cũng như FTA giữa Việt Nam và Brazil.

Tổng thống Brazil khẳng định ủng hộ đề xuất này và nhấn mạnh hai Bộ trưởng Công thương cần trao đổi ngay và phối hợp chặt chẽ, đồng thời Brazil sẽ tích cực thúc đẩy sự đồng thuận với các thành viên Mercosur nhằm tạo bước đột phá trong hợp tác thương mại giữa hai bên.

Mercosur với gần 300 triệu dân, chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ được xem thị trường rất tiềm năng đối với các mặt hàng tiêu dùng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, thủy sản...

Theo Bộ Công thương, các nước Mercosur có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản, trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mercosur là thiết bị điện tử, viễn thông, dệt may, giày dép…

Cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp cũng là một thế mạnh của Việt Nam trong việc tiếp cận gần hơn với thị trường này.

Việc sớm kết thúc đàm phán, đi đến ký kết FTA Việt Nam - Mercosur với kỳ vọng Hiệp định sẽ tạo ra bước đột phá trong quan hệ thương mại, giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và với các nước trong khối nói chung tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Là một trong các quốc gia thuộc Mercosur, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil tại khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 8,1 tỷ USD (Xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil 2,64 tỷ USD, tăng 8,3%, nhập khẩu từ Brazil 5,47 tỷ USD, tăng 17,1%, nhập siêu từ Brazil 2,83 tỷ USD).

Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 10 tỷ USD và nâng lên thành 15 tỷ USD vào năm 2030.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục