Tín hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân), kết quả tích cực của kinh tế 6 tháng đầu năm, cộng với việc Việt Nam và Mỹ thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên vào năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo.
PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân) PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân)

Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định Thương mại đối ứng mà cả 2 bên đều thắng (win - win), ông bình luận gì về tuyên bố này?

Dù mỗi đời Tổng thống có chính sách khác nhau, nhưng trên thực tế, với Hoa Kỳ, đại diện đảng nào làm Tổng thống, kiểm soát Thượng viện hay Hạ viện, thậm chí cả lưỡng viện và Nhà Trắng, thì chính sách cơ bản của họ về bản chất giá trị cốt lõi vẫn nhất quán, không hề thay đổi, bởi tất cả đều vì quyền lợi của nước Mỹ, người dân Mỹ.

Vì vậy, thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ được cả 2 bên coi là công bằng và cân bằng chắc chắn sẽ được thực thi trong một thời gian dài, nên doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể yên tâm hoạt động, mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới, trong đó có cả thị trường Mỹ.

Thời gian tạm dừng chính sách thuế đối ứng (ngày 9/7/2025) sắp kết thúc và Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã kết thúc đàm phán với Mỹ. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, mang đến tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Việc 2 bên thống nhất được Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng mở cánh cửa để các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tiếp tục tiến vào thị trường Mỹ, như sản phẩm điện tử và linh kiện; máy vi tính; máy móc, thiết bị, phụ tùng; dệt may; giày dép; thủy sản; đồ gỗ... Từ đó, tiếp thêm động lực để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, nên việc đạt được Hiệp định Thương mại đối ứng có thể nói là thành công, thưa ông?

Tôi cho rằng, cả 2 bên đều thắng. Việt Nam xuất siêu hàng hóa vào Mỹ, nhưng lại nhập siêu dịch vụ từ Mỹ rất lớn. Trong tự do hóa thương mại toàn cầu, nền kinh tế nào cũng muốn thu tối đa lợi nhuận từ đối tác bằng 3 con đường:

Thứ nhất là, sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang nước khác thu tiền về.

Thứ hai là, cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, nhượng quyền thương mại, sở hữu trí tuệ, quảng cáo, giáo dục... để thu tiền từ nước khác.

Thứ ba là, đầu tư trực tiếp, gián tiếp, cho vay thu lợi nhuận chuyển về nước.

Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Mỹ, nhưng nhập khẩu các loại dịch vụ rất lớn từ thị trường này, nên cán cân thương mại bù trừ cho nhau và cả 2 bên cùng có lợi. Lợi ích hài hòa, cả 2 bên đều mong muốn thực hiện Hiệp định Thương mại đối ứng lâu dài, vì quyền lợi của mỗi nước.

Theo ông, Hiệp định Thương mại đối ứng sẽ góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Xuất khẩu là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, trong đó, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng, nhiều nhóm hàng xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường này.

Mặc dù kết quả của Hiệp định chỉ mới được công bố, nhưng trước đó, những thông tin rất khả quan sau mỗi cuộc đàm phán giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã tạo động lực, niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà tăng tốc.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt khoảng 432 tỷ USD, tăng hơn 16%. Nhờ xuất siêu 7,63 tỷ USD, nên ổn định được tỷ giá, kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng ở mức 3,27%; sản xuất, kinh doanh khởi sắc với 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong nửa đầu năm nay, đạt con số kỷ lục.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt 7,67%. Nền kinh tế đã bước vào chu kỳ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 6,93%) nhờ đó, GDP 6 tháng đầu năm nay ước tăng 7,5%, theo đúng kịch bản tăng trưởng cả năm trên 8% như đã đặt ra. Theo đánh giá của Chính phủ, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng tốt; thị trường nội địa tiếp tục đà tăng trưởng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ…

Đây là những tín hiệu rất tích cực, cộng với Hiệp định Thương mại đối ứng Việt - Mỹ được ký kết là những nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên vào năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Mạnh Bôn thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục