Thúc đẩy quản trị tốt sẽ có báo cáo tốt

(ĐTCK) Mỗi năm, các công ty lại có cơ hội để gửi gắm các thông điệp kinh doanh của mình tới công chúng đầu tư qua bản báo cáo thường niên. Trong mùa giải báo cáo thường niên thứ 9 (2016), Hội đồng bình chọn vẫn háo hức đón chờ những nét mới, những sự bứt phá của các doanh nghiệp trong một cuộc đua thực sự.
Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia quản trị công ty, phụ trách Chương trình quản trị công ty của IFC tại Việt Nam

Tập đoàn Bảo Việt (BVH), gương mặt tiêu biểu của Giải thưởng báo cáo thường niên trong nhiều năm qua tiếp tục bứt phá vượt qua chính mình để tiến đến sự hoàn thiện trong chất lượng báo cáo. CTCP Dược Hậu Giang (DHG) chuẩn chỉnh hơn nữa trong việc công bố thông tin liên quan đến nội dung quản trị công ty; Tập đoàn PAN (PAN) với những tiến bộ vượt bậc về chất lượng và nội dung báo cáo để vươn lên Top 10; CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đã đạt được tiến bộ ngoài mong đợi khi mới niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 9/2015 đã trở thành công ty trẻ nhất lọt vào Top 10 của Giải năm nay…

Quản trị công ty tiếp tục là một chủ đề chính được Hội đồng bình chọn Báo  cáo thường niên 2016 chú trọng trong cơ cấu giải năm nay, bởi lẽ đơn giản là quản trị tốt sẽ mang lại sự minh bạch và niềm tin cho các cổ đông, giúp các doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng và tạo sự bình ổn lâu dài trên thị trường tài chính.

Các cổ đông luôn mong muốn được nhìn thấy các doanh nghiệp xây dựng nên một cơ cấu quản trị vững mạnh, thông qua sự tham gia hiệu quả của một hội đồng quản trị cân bằng, có năng lực, có trách nhiệm và đưa ra các quyết định không mang tính mâu thuẫn về lợi ích.

Bên cạnh đó, các cổ đông cũng mong muốn được nhìn thấy các chức năng kiểm soát chặt chẽ được áp dụng trong hệ thống quản trị nội bộ như bộ phận kiểm toán, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm soát tuân thủ và kiểm toán bên ngoài. Báo cáo thường niên là nơi thích hợp nhất để các công ty truyền tải tới các cổ đông, tới công chúng và các nhà đầu tư tiềm năng việc họ đã, đang và sẽ áp dụng các thông lệ quản trị tốt liên quan đến các vấn đề nêu trên ra sao.

Kết quả chấm của nội dung thông tin về quản trị công bố trên báo cáo thường niên cho thấy có một sự chuyển biến tích cực, khi có 105 công ty trong tổng số 136 công ty lọt vào vòng chung khảo năm nay (tương đương 77%) đạt điểm trên trung bình (trong mùa giải 2015, tỷ lệ này là 60% và mùa giải 2014 là 40%). Khoảng 20 công ty của vòng chung khảo đạt được mức điểm cao (điểm từ 75% trở lên). Top 10 báo cáo thường niên có nội dung quản trị công ty tốt nhất năm nay thuộc về DHG, BVH, VNM, FPT, PAN, BVS, PVD, BMP, HCM và DPM.

Báo cáo thường niên của Dược Hậu Giang được đánh giá có nội dung quản trị công ty tốt nhất khi Công ty đã có những cải thiện đáng kể so với năm ngoái về chất lượng thông tin liên quan đến Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Bên cạnh đó, Tập đoàn Bảo Việt vẫn là một “ngôi sao” trên thị trường khi tiếp tục đạt được điểm cao nhất cả về nội dung, hình thức và tính khoa học trên báo cáo thường niên nói chung và các nội dung quản trị công ty nói riêng.

Trong mùa giải năm nay, Vinamilk tuy không lọt vào Top 10 báo cáo thường niên tốt nhất, nhưng vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu về hạng mục Báo cáo thường niên có nội dung quản trị công ty tốt nhất.

Sự cải thiện về điểm số của 136 công ty lọt vào vòng chung khảo Báo cáo thường niên 2016 là một điều khả quan, đánh dấu nỗ lực chung của cơ quan quản lý và các công ty niêm yết trên thị trường. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là trong tổng số gần 700 công ty niêm yết, chỉ có khoảng 20 công ty đạt mức điểm trên 75% (mức điểm tạo niềm tin và thu hút của các nhà đầu tư theo kinh nghiệm của khu vực và toàn cầu).

Thật không may, thị trường niêm yết vẫn còn quá nhiều công ty xem việc lập báo cáo thường niên như là một nghĩa vụ, chứ không phải là một cơ hội. Và thậm chí, nếu được xem như là một nghĩa vụ, có rất nhiều công ty niêm yết vẫn chưa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. 

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2016) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đang đứng thứ 122 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng trên toàn cầu về bảo vệ các nhà đầu tư (Investor protection ranking). Là một quốc gia với chỉ số bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, quản trị công ty tốt còn có vai trò, ý nghĩa nhiều hơn nữa trong việc hạn chế sự sụt giảm các chỉ số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mang lại sự ổn định cho thị trường vốn và góp phần thu hút các nhà đầu tư.

So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam cần có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để nhanh chóng đẩy lùi các khoảng cách tụt hậu, đẩy nhanh hòa nhập khu vực trong việc thực hiện các thông lệ quản trị tốt (ví dụ như các thông lệ của thẻ điểm quản trị công ty cho 6 nước trong khu vực ASEAN).

Các cơ quan quản lý nên có những đầu tư mang tính ưu tiên và tập trung về nguồn lực và thời gian với cam kết mạnh mẽ để đưa các chuẩn mực quản trị quốc tế tốt vào các quy định khung pháp lý (đặc biệt trong các ngành đặc thù như ngân hàng, khu vực kinh tế hay các doanh nghiệp có vốn nhà nước giữ vị trí chi phối).

Các cơ chế giám sát thực thi tốt đối với các công ty niêm yết và đại chúng nên được tăng cường tính hiệu quả và việc xử lý các sai phạm cần được thực hiện nghiêm minh để tránh tình trạng rất nhiều công ty đang coi nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

IFC là một tổ chức phát triển toàn cầu có các đầu tư tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư toàn cầu, chúng tôi luôn tin tưởng rằng, một hệ thống công bố thông tin tốt (thông qua báo cáo thường niên) có thể giúp thu hút vốn và duy trì lòng tin của thị trường.

Ngược lại, công bố thông tin yếu kém và không minh bạch có thể dẫn đến hành vi phi đạo đức và mất đi tính trung thực của thị trường, gây thiệt hại lớn không chỉ cho công ty và cổ đông, mà cho cả nền kinh tế nói chung.

Cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng phải được tiếp cận thông tin thường xuyên, tin cậy và so sánh được một cách chi tiết đủ để họ đánh giá trình độ quản lý của ban điều hành và đưa ra các quyết định sáng suốt về giá trị, quyền sở hữu và biểu quyết của cổ phần. Thông tin không đầy đủ và không rõ ràng có thể cản trở khả năng hoạt động của thị trường, làm tăng chi phí vốn và dẫn tới việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả.

Việc tham gia của IFC vào Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên với mong muốn các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam tiếp tục nâng cao các chuẩn mực về báo cáo và minh bạch thông tin theo các thông lệ quốc tế tốt. Là một thành viên của Tổ chấm chung khảo và Hội đồng bình chọn, tôi nhận thấy một điểm rất rõ là chất lượng báo cáo sẽ được nâng cao khi các doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện quản trị tốt tại doanh nghiệp mình, vì nhờ đó sẽ mang lại những thông tin xác thực nhất cho các nhà đầu tư nói chung.

Nguyệt Anh
Đặc san Báo cáo thường niên 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục