Những điểm mới trong mùa giải Báo cáo thường niên 2016

(ĐTCK) Vòng chấm Chung khảo của cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên năm 2016 đã chính thức kết thúc sau hai ngày làm việc liên tục của Hội đồng bình chọn.
Hội đồng bình chọn phấn khởi, hào hứng hơn bởi sự thay đổi về chất trong mỗi báo cáo thường niên năm nay Hội đồng bình chọn phấn khởi, hào hứng hơn bởi sự thay đổi về chất trong mỗi báo cáo thường niên năm nay

Trải qua 8 mùa giải, Hội đồng bình chọn năm nay phấn khởi, hào hứng hơn bởi sự thay đổi về chất trong mỗi báo cáo và sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới trong Top báo cáo tốt nhất.

Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên năm nay bao gồm các thành viên đến từ 2 Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Báo Đầu tư. Nhóm đánh giá Báo cáo Phát triển bền vững bao gồm 3 thành viên là các chuyên gia đến từ Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) và IFC.

Số lượng báo cáo thường niên lọt vào vòng chung khảo Cuộc bình chọn năm nay là 136 báo cáo, với số điểm trung bình từ 68 điểm trở lên (bằng điềm sàn năm 2015). Với tiêu chí chấm vòng sơ khảo khắt khe hơn mùa giải trước, kết quả này cho thấy mặt bằng chất lượng báo cáo thường niên đã có sự cải thiện đáng kể.

Đối với báo cáo phát triển bền vững, có 77 báo cáo lọt vào vòng chung khảo; trong đó, có 8 báo cáo được thực hiện riêng biệt. Chất lượng báo cáo gia tăng, điều này đồng nghĩa với việc Hội đồng bình chọn cũng “đau đầu” hơn trong quá trình lựa chọn ra những báo cáo có chất lượng tốt nhất.

Theo nhận định chung của nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững, do có sự thay đổi phương thức chấm sơ khảo, số lượng báo cáo vào chung kết tăng đột biến, nội dung chi tiết hơn nên Hội đồng bình chọn phải thực hiện thêm một bước tuyển chọn, lọc ra ra 26 báo cáo có chất lượng vượt trội để chấm và chọn ra 10 báo cáo vào danh sách cuối cùng, trong đó đề nghị 5 báo cáo tốt nhất để trao giải và vinh danh.

Những điểm mới trong mùa giải Báo cáo thường niên 2016 ảnh 1

Về tiêu chí đánh giá, ông Tô Vĩ Hùng, Trường nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững cho biết, có thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, các tiêu chí của ACCA tập trung vào các đặc tính mà một báo cáo phát triển bền vững xuất sắc (hoặc các báo cáo tương đương) cần có. Về tổng thể, Hội đồng Giám khảo sẽ đánh giá báo cáo phát triển bền vững trên 3 phương diện gồm: Tính đầy đủ (45%), Mức độ tin cậy (40%), Trình bày (15%). Trong khi các năm trước, điểm trình bày chiếm tỷ trọng 25% trong tổng số điểm, tính đầy đủ là 40% và mức độ tin cậy là 35%.

Theo ông Hùng, những năm đầu, các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm lập báo cáo phát triền bền vững nên điểm trình bày có tỷ trọng cao hơn để khuyến khích các doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, do có nhiều báo cáo có nội dung tiến bộ nên cần phải nâng tỷ trọng điểm của 2 yếu tố còn lại.

Đánh giá chung về mặt bằng báo cáo phát triển bền vững năm nay, Hội đồng bình chọn cho rằng, hầu hết các báo cáo đều sử dụng hướng dẫn của IFC, G4. Chất lượng báo cáo tốt hơn hẳn, hình thức trình bày được trau chuốt hơn, có doanh nghiệp còn sử dụng cả ứng dụng dành cho điện thoại di động. Phần lớn các công ty được đánh giá cao năm trước vẫn duy trì được chất lượng báo cáo trong năm nay. Nổi bật là báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), báo cáo duy nhất được kiểm toán độc lập, có xác nhận của bên thứ ba nên tính tin cậy cao. Một số công ty đã có sự nhảy vọt về chất lượng báo cáo so với năm trước, đặc biệt có những nhân tố mới tạo được ấn tượng, gồm báo cáo của STK, PAN, TNG.

Bên cạnh đó, một số điểm mà doanh nghiệp cần chú ý để cải thiện báo cáo phát triển bền vững được nhóm chấm đề xuất như vẫn còn một số báo cáo có nội dung/cấu trúc chưa đầy đủ vì không theo bất kỳ chuẩn mực nào, nên thiếu những nội dung rất cơ bản (thông tin liên hệ, phạm vi báo cáo, đối tượng sử dụng báo cáo…). Một vài báo cáo có nội dung tương đối đầy đủ, nhưng lại không xác nhận chuẩn mực sử dụng nên cũng không được điểm tối đa. Việc nhận biết, phân tích lợi ích, cơ chế thu nhận và phản hồi thông tin đối với bên liên quan vẫn còn rất hạn chế và chưa có bằng chứng rõ rệt trong việc sử dụng ý kiến phản hồi. Chưa có quy trình quản trị hữu hiệu để đảm bảo tính tin cậy của các thông tin và rất ít công ty có xác nhận độc lập. Hầu như không có công ty nào có cơ chế khen thưởng liên quan đến phát triển bền vững… Kết quả cuối cùng, nhóm chấm cũng đã chọn ra được 5 báo cáo có nội dung tốt nhất để đề cử trao giải.

Đối với báo cáo thường niên, Hội đồng bình chọn rất vui mừng khi có nhiều doanh nghiệp đã có sự bứt tốc. Trong đó, STK, PAN, TNG tiếp tục gây ấn tượng. Đặc biệt, STK là doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn trong năm 2015 nhưng đã có báo cáo được đánh giá tốt.

Bà Lê Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành Sở GDCK Hà Nội (HNX) đánh giá, mặt bằng chung về chất lượng báo cáo tăng lên tương đối rõ, những báo cáo trong Top 10 có khoảng cách không quá xa nhau. Về mặt hình thức, hầu hết được các doanh nghiệp đã có sự đầu tư cho việc xây dựng cấu trúc của báo cáo, hình ảnh biểu thị đã có tính kết nối. Trong đó, có những báo cáo như của HSC, PAN… có những câu slogan hướng tới trách nhiệm xã hội, định hướng cho hoạt động kinh doanh đi theo. Cụ thể, trong báo cáo của HSC, triết lý “Tạo dựng các giá trị bền vững cho cổ đông và thể hiện các giá trị nhân văn trong mối quan hệ với tất cả các bên liên quan”, được thể hiện rõ ngay trong thông điệp của Tổng giám đốc Johan Nyvene.

Đánh giá về nội dung thông tin kết quả sản xuất - kinh doanh, báo cáo tài chính, GS. TS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng bình chọn gắn bó với 8 mùa giải báo cáo thường niên cho rằng, đã xuất hiện tình trạng bão hòa. Nhiều doanh nghiệp có báo cáo tốt liên tục các năm trước thì năm nay bắt đầu có sự sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp mới cũng ghi nhận có sự tiến bộ so với các năm trước, nhưng dường như vẫn chưa có sự đột phá. Bản thân nhiều doanh nghiệp khi công bố thông tin ra bên ngoài đa phần là thực hiện nghĩa vụ, chưa có ý thức đưa thông tin thiết thực đến nhà đầu tư, những vấn đề về phân tích rủi ro, việc so sánh với doanh nghiệp cùng ngành cũng ít doanh nghiệp làm được.

So với các năm trước, rõ ràng, chất lượng báo cáo thường niên đã có sự tiến bộ, nhưng để phát triển hơn nữa trong chặng đường mới, doanh nghiệp cần đưa ra những nhận định, dự báo và phân tích phải được định lượng và dữ liệu kèm theo, chứ không phải cứ báo cáo chung chung. Có làm được như vậy mới có thể kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp mà cuộc bình chọn hướng đến.

Dự kiến, lễ vinh danh và trao giải Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 28/7/2016. Lễ vinh danh sẽ công bố và trao giải cho  các báo cáo thường niên tốt nhất thuộc Top 10 (10 báo cáo thường niên có điểm số cao nhất), Top 30 (20 báo cáo có số điểm cao tiếp theo Top 10) và Top 50 (20 báo cáo còn lại trong nhóm 50 báo cáo thường niên tốt nhất). Trong các báo cáo thường niên đạt giải, Hội đồng bình chọn sẽ xem xét và trao Giải xuất sắc nhất cho báo cáo thường niên có số điểm cao nhất trong Top 10, có sự thể hiện vượt trội về cả nội dung báo cáo và hình thức trình bày.

Ngoài ra, còn có thêm các giải thưởng gồm giải báo cáo thường niên có sự tiến bộ vượt trội. Giải thưởng báo cáo thường niên có nội dung quản trị tốt nhất và dự kiến sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho hạng mục này.

Đối với giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững, Hội đồng chấm điểm chi tiết do phía ACCA và IFC đảm trách. Cơ cấu giải bao gồm 1 Giải Nhất, 1 Giải Nhì và 3 giải khuyến khích cho các hạng mục: Giải Tính đầy đủ, Giải Độ tin cậy và Giải Trình bày.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục