Thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa từ góc độ điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, điện ảnh là một yếu tố không thể tách rời. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập khi điện ảnh nước ngoài đang thống lĩnh thị trường.

Với “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD. Nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 từ năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD).

Dù vượt chỉ tiêu, nhưng ngành điện ảnh vẫn tồn tại nhiều bất cập khi các công ty điện ảnh nước ngoài thống lĩnh thị trường. Điều này cho thấy, để điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều thách thức.

Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2022.

Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2022.

Phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia

Điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ so với 10 năm trước nhưng vẫn có nhiều vấn đề tồn tại. Về lĩnh vực sáng tạo và sản xuất phim, hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, các doanh nghiệp này được gọi là “hãng phim”.

So với khoảng 50 hãng phim vào những năm 2000 thì số lượng hãng phim tăng đến 10 lần. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, nguồn nhân lực, nguồn kịch bản và doanh thu chiếu phim, nên chỉ có khoảng trên dưới 50 doanh nghiệp tham gia thực sự vào sản xuất phim.

Ở thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường điện ảnh trên đà phát triển nhanh nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% số phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim. Trong đó, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, gây ra sự, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim, khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản.

Khái quát về những thách thức của công nghiệp điện ảnh Việt Nam, TS Ngô Phương Lan, Nguyên Cục trưởng cục điện ảnh chỉ ra rằng: Thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%, điều đó chứng tỏ nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, mức đầu tư của Nhà nước cho cả sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật rất hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần vì không có hạn ngạch phim nhập. Rạp chiếu phim chủ yếu ở các thành phố lớn, rạp của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, chiếm 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam.

Chính vì vậy, cần đưa ra những chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục. Cụ thể, cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để các nhà sản xuất phim có động lực tiếp tục làm ra những bộ phim đặc sắc, chạm được đến xúc cảm của khán giả.

Đồng thời, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và DN điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm ăn theo phim) nhằm tận thu cho phim.

Chắt chiu kinh nghiệm từ các nước láng giềng

Nhìn từ góc độ người làm phim, trước mắt ngành điện ảnh Việt Nam có không chỉ một, mà là hai con đường có thể dẫn tới hai đích đến hoàn toàn trái ngược. Con đường đầu tiên là ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về hạ tầng lẫn chất lượng, ngày càng được khán giả Việt Nam ủng hộ nhiều hơn, và có thể vững vàng như ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Nếu bỏ qua nhiều cơ hội phát triển, Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan.

Thái Lan đã từng sản xuất được Pee Mak Prakanong (Tình Người Duyên Ma, 2013), một bộ phim ăn khách trên toàn châu lục đã thu về hơn 33 triệu USD. Trong thành tích đó, thị trường nội địa Thái Lan đóng góp 18 triệu USD, tương đương 53,7%. Năm 2018, một bộ phim đinh khác của Thái Lan là Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo), kiếm được 44,5 triệu USD trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thị trường nội địa Thái Lan chỉ đóng góp 3,2 triệu USD, tương đương có 7,39%. Kết quả không mấy khởi sắc này tại quê nhà của Bad Genius phản ánh sự quan tâm của khán giả Thái đối với phim Thái đã thay đổi rất nhiều chỉ sau vài năm. Bất kể chất lượng phim ra sao, khán giả Thái dường như không muốn ủng hộ phim nội địa nhiều như trước. Một phần có thể do đa số các nhà sản xuất Thái Lan đã làm ra quá nhiều những bộ phim một màu và có chất lượng yếu trong những năm gần đây.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phim thương mại được khán giả Việt Nam vô cùng ưa thích. Song, vì quá tập trung vào lợi nhuận, các nhà sản xuất có xu hướng làm phim rẻ và nhanh nhất có thể, dẫn đến hiện tượng thời kỳ phim “mỳ ăn liền”. Khi chất lượng của các bộ phim đi xuống dần, khán giả Việt Nam cuối cùng đã quay lưng với ngành công nghiệp điện ảnh vào cuối thập niên này. Đây là một bài học mà ngành công nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc xem xét.

Năm 2019, siêu bom tấn “Avengers: Endgame” (Avengers: Hồi kết) thu về hơn 27 triệu USD tại Thái Lan và gần 12 triệu USD ở Việt Nam, có thể tạm coi như quy mô thị trường Thái lớn gấp 2 lần thị trường điện ảnh nước ta. Thế nhưng, phim Thái hiện nay dù có thuộc loại ăn khách nhất năm cũng chỉ có thể đạt đến mức doanh thu khoảng 150 - 160 tỷ đồng, kém xa kỷ lục doanh thu của “Bố già” hay “Lật mặt".

Loạt phim chiếu rạp được khán giả đánh giá cao trong vài năm trở lại đây.

Loạt phim chiếu rạp được khán giả đánh giá cao trong vài năm trở lại đây.

Nhìn vào sự khác biệt này, ta có thể thấy rằng tình hình của phim Thái Lan khá trầm, trong khi đó khán giả Việt Nam vẫn dành nhiều tình cảm cho phim Việt. Nhưng một khi đã để khán giả mất niềm tin, thời kỳ tăng trưởng mà ngành điện ảnh đang được hưởng có thể sẽ kết thúc sớm hơn so với tưởng tượng.

Cùng với đó, “Hai Phượng” đã chứng minh rằng phim Việt Nam có thể gia tăng doanh thu đáng kể khi mở ra được một cửa phát hành quốc tế mạnh như Netflix. Để có thể lập lại và vượt qua thành tích ấy trong tương lai, chất lượng các bộ phim là yếu tố tiên quyết.

Qua những phân tích, phim Việt cần tạo ra những sản phẩm mang tính toàn cầu mà vẫn mang những nét độc đáo của đất nước. Trên hành trình mới này, nâng niu và bồi đắp sức sáng tạo, tính nguyên bản cho phim Việt Nam là sứ mệnh không của riêng ai. Sau một quãng thời gian phát triển về số lượng, giờ là lúc bắt đầu phát triển về chất lượng, và tất cả các bên trong ngành đều phải chung tay phấn đấu cho mục tiêu này.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục