Từ năm 2002, Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đã xác định việc xây dựng, phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực Ðông Nam Á.
Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012.
Theo báo cáo Global Fintech Hub Report 2018 của PwC, hiện có 7 trung tâm Fintech quốc tế và 23 trung tâm Fintech khu vực, trong đó Trung Quốc có 4 trung tâm Fintech quốc tế và 6 trung tâm Fintech khu vực.
Báo cáo này cũng xếp TP.HCM vào danh sách 25 trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub) của thế giới. Ðiều này cho thấy, Việt Nam nói chung và TP.HCM có khả năng trở thành một trung tâm Fintech ở khu vực.
6 yếu tố hình thành trung tâm Fintech
Những nghiên cứu gần đây về các trung tâm Fintech trên toàn cầu cho thấy, có 6 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc hình thành một trung tâm Fintech, đó là:
Thứ nhất, cộng đồng khởi nghiệp Fintech sôi động. Việc có nhiều sự kiện và hoạt động diễn ra sẽ tạo nền tảng cho việc thành lập và phát triển các công ty khởi nghiệp;
Thứ hai, các công ty lâu đời có danh tiếng năng động: Các công ty Fintech lớn có danh tiếng đầu tư vào các sản phẩm đổi mới và nâng đỡ các công ty Fintech tiềm năng, bởi các công ty Fintech khởi nghiệp khó có thể tự mình xây dựng trung tâm Fintech;
Thứ ba, khả năng tiếp cận vốn: Việc tiếp cận được nguồn vốn là rất quan trọng để tài trợ cho việc thành lập và phát triển của các công ty đổi mới sáng tạo;
Thứ tư, sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý: Cơ quan quản lý luôn có sức ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của hệ sinh thái Fintech thông qua các chính sách quản lý và điều phối của mình.
Tại thị trường Fintech còn mới mẻ như ở Việt Nam, sự can thiệp sâu rộng của cơ quan quản lý là rất cần thiết để ngăn ngừa các rủi ro gây bất ổn xã hội.
Vai trò của Chính phủ đối với hệ sinh thái Fintech bao gồm người ra chính sách, nhà kiểm soát và điều phối, nhà phát triển (các nghiệp vụ, tiêu chuẩn, hạ tầng…), nhà cung cấp dịch vụ (các dịch vụ thiết yếu).
Thứ năm, tiếp cận lao động chất lượng cao: Fintech là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận lao động chuyên môn có trình độ cao;
Thứ sáu, xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech: Ðây là yếu tố quan trọng để có thể thu hút được lao động chất lượng cao, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp... cả trong và ngoài nước.
Khả năng phát triển Fintech Hub tại Việt Nam
Các công ty lâu đời có danh tiếng, các công ty khởi nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm và giới nghiên cứu là bộ phận cần thiết trong việc hình thành một hệ sinh thái Fintech mạnh mẽ và sôi động.
Sự hợp tác giữa các bên là rất quan trọng để phát triển Fintech tại Việt Nam, tạo ra nhiều sự đổi mới, thúc đẩy khởi nghiệp mới, thu hút đầu tư và lao động trình độ cao.
Một cộng đồng Fintech khởi nghiệp sôi động là điều cần thiết để xây dựng và củng cố hệ thống các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam.
Các phân tích ở trên cho thấy, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có một số lợi thế để trở thành một trung tâm Fintech khu vực. Trong 6 yếu tố nêu trên, có 3 yếu tố quan trọng cần tập trung để tiến tới xây dựng trung tâm Fintech tại Việt Nam.
Thiết lập ngôi nhà chung cho cộng đồng Fintech và khởi nghiệp:
Cộng đồng Fintech cần một trung tâm, không gian làm việc chung, nơi các công ty khởi nghiệp có thể làm việc, nơi diễn ra các sự kiện liên quan đến Fintech, nơi để các nhà đầu tư và công ty đã thành danh có thể đến và tham gia với các công ty khởi nghiệp.
Hiệu quả của mô hình này đã được chứng minh trên thực tế, đó là các trung tâm BLK71 ở Singapore, B. ở Amsterdam (Hà Lan), Level-39 và RainmakingLoft ở London (Anh quốc)...
Dưới một ngôi nhà chung như vậy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, Fintech nói riêng sẽ cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và tạo ra mạng lưới kết nối chất lượng.
Hiện tại, TP.HCM có một vài địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng ngôi nhà chung này như Khu công nghệ cao tại quận 9.
Ðiều cần lưu ý ở đây là không gian làm việc chung không nên giao cho đơn vị quản lý muốn tối đa hóa lợi ích từ việc cho thuê, mà thay vào đó là tối đa hóa giá trị cho cộng đồng Fintech.
Ðồng thời, cần đảm bảo các chương trình, kế hoạch hỗ trợ liên tục cho các công ty khởi nghiệp mới.
Việt Nam cũng đã có các chương trình hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp như Ðề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (Ðề án 844), nhưng cần đảm bảo các hỗ trợ đến đúng địa chỉ.
Các công cụ hữu hiệu để thực hiện việc này là tổ chức các cuộc thi phát triển phần mềm (hackathon), các sự kiện liên quan tới phát triển công nghệ thông tin… để tạo môi trường chia sẻ ý tưởng và thông tin.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, càng nhiều sự kiện, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức, sẽ càng thúc đẩy hoạt động này phát triển.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các công ty khởi nghiệp tiếp xúc với các cá nhân/doanh nghiệp thành công trong khởi nghiệp.
Thực tế là, sự hỗ trợ của các nhà cố vấn, ở đây là các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia trong ngành là yếu tố quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp, là tiền đề để khởi nghiệp thành công.
Kinh nghiệm quốc tế cho việc này là cần tìm các cố vấn sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng miễn phí.
Sự tham gia của các công ty lâu đời có danh tiếng:
Các công ty đã thành danh đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và củng cố hệ sinh thái Fintech.
Các công ty khởi nghiệp có thể nhanh hơn và đổi mới hơn so với những công ty đã thành danh. Tuy nhiên, những công ty đã thành danh có khả năng tạo ra những thay đổi lớn và thường tạo ra nhiều việc làm, cũng tác động mạnh mẽ hơn tới cộng đồng so với các công ty khởi nghiệp.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech. Sự hợp tác này sẽ tạo thêm giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của ngân hàng, cũng như sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech.
Ðể góp phần xây dựng một hệ sinh thái Fintech mạnh mẽ, trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động hơn trong hợp tác với nhau, cũng như với các công ty khởi nghiệp và công ty đang mở rộng quy mô.
Ngoài ra, việc đầu tư cho các sáng kiến đổi mới nội bộ cũng là một yếu tố đảm bảo cho sự thành công của trung tâm Fintech.
Tại Việt Nam, các ngân hàng đã và đang có các chương trình đầu tư phát triển sáng kiến đổi mới nội bộ như ACB với chương trình ACB Win.
Tuy nhiên, một điều tra trong năm 2018 của Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cho thấy, hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế.
Vì thế, trong tương lai, tăng cường đổi mới nội bộ và tận dụng tài sản như nhân viên, thương hiệu, dữ liệu và công nghệ của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng Fintech.
Sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý:
Từ thực tế tại Singapore và London cho thấy, cam kết hỗ trợ từ chính quyền và cơ quan quản lý có thể mang lại cho thành phố hay quốc gia một lợi thế cạnh tranh, giúp thu hút nhân lực trình độ cáo và thúc đẩy sự đổi mới.
Theo đó, lãnh đạo TP.HCM cần tham gia vào các sự kiện Fintech địa phương, khu vực và toàn cầu để đúc rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra định hướng rõ ràng trong chiến lược phát triển Thành phố thành một trung tâm Fintech.
Về hoạt động điều hành, khu vực công không nên tham gia điều hành các hoạt động trong hệ sinh thái, mà nên giao cho khu vực tư nhân thực hiện nhằm tránh đưa các hoạt động này trở thành một chương trình nghị sự chính trị.
Tuy vậy, vẫn cần có sự kết hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong việc đóng góp kinh phí cho các dự án phát triển hệ sinh thái được tài trợ bởi các chủ thể tư nhân để giúp kích thích các hoạt động phát triển hệ sinh thái, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ðể tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý thụ động sang chủ động, tăng cường đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo để giúp điều hướng trong quy định hiện hành cho phù hợp hơn với các mô hình kinh doanh và công nghệ đổi mới trong tương lai.
Theo ước tính chưa chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 200 công ty Fintech đang hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam dự kiến đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 4,4 tỷ USD vào năm 2017.